Truyền thông

Giá xăng dự báo sẽ giảm hơn 3.000 đồng/lít?

Kỳ điều hành ngày 11/7 dự báo giá xăng sẽ giảm mạnh, về dưới mốc 30.000 đồng/lít nhờ chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực và giá dầu thô lao dốc liên tục.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 5/7 giảm mạnh so với kỳ trước.

Cụ thể, bình quân xăng RON 92 (loại dùng pha chế xăng E5 RON 92) là 138,5 USD/thùng; xăng RON 95 là 147,2 USD/thùng. Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước ở mức 147,8 USD/thùng xăng RON 92; 154,8 USD/thùng xăng RON 95.

Trao đổi với Zing, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phía Nam cho biết so với 10 ngày trước, giá xăng bán lẻ trong nước đang cao hơn giá thành phẩm tại Singapore là khoảng 2.100-2.300 đồng/lít, dầu cao hơn giá thành phẩm khoảng 1.600-2.100 đồng/lít.

Do đó, kỳ điều hành tới giá xăng có thể sẽ giảm mạnh khoảng 2.100-2.300 đồng/lít, ngoài ra kết hợp với nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực, mặt hàng này có khả năng giảm tới hơn 3.000 đồng/lít.

Ngoài ra, theo vị này, mức giảm còn phải dựa vào diễn biến giá dầu thành phẩm trên thị trường Singapore trong vài ngày tới, bởi hiện nay giá dầu thô đang có xu hướng nhích nhẹ trở lại. Đồng thời, còn tùy thuộc vào cơ quan điều hành tính toán có trích quỹ bình ổn hay không.


Theo dữ liệu từ Trading Economics, trong vòng 24h qua, có thời điểm giá dầu WTI về ngưỡng 96,6 USD/thùng, sau đó lại tăng lên ngưỡng 102 USD/thùng. Tương tự, giá dầu Brent hiện cũng về mức 104,6 USD/thùng sau khi lao dốc còn 98,6 USD/thùng.

Nói với Zing, các chuyên gia quốc tế cho rằng những lo ngại suy thoái đã tác động mạnh lên thị trường dầu thế giới. Ông Edward Moya, chuyên gia phân tích của OANDA (trụ sở ở Mỹ) nhìn nhận lo ngại suy thoái đang góp phần hạ nhiệt giá dầu, nhưng giá đã giảm khá mạnh so với mức kỷ lục hồi tháng 3. “Vì vậy, giá sẽ không giảm nhiều vì nguồn cung thực tế vẫn còn khan hiếm”, ông nhận định.

Tính đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 17 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 4 lần giảm; lần giảm giá mạnh nhất là hơn 1.000 đồng/lít và lần tăng mạnh nhất gần 3.000 đồng/lít.

Hiện, giá xăng E5 RON 92 trong nước đã có kỳ giảm đầu tiên đưa mặt hàng này về mức 30.890 đồng/lít còn xăng RON 95 còn 32.760 đồng/lít, dầu diesel xuống 29.610 đồng/lít.

Ngày 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng, 500-700 đồng với dầu và thống nhất áp dụng ngay ở kỳ điều chỉnh tuần sau (11/7).

Tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Chính phủ sớm khẩn trương nghiên cứu cắt giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

“Tinh thần là nếu tình hình bình thường thì xử lý theo tình huống bình thường, cần cấp bách thì xử lý theo tình huống cấp bách”, ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cũng cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ một số đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi giá xăng dầu, như ngư dân, giao thông vận tải, người nghèo, thu nhập thấp...

Trong bối cảnh quỹ bình ổn của nhiều doanh nghiệp đầu mối lớn vẫn âm, giá dầu thô thế giới diễn biến phức tạp, nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh việc nghiên cứu giảm thêm các loại thuế, phí, Chính phủ cần xây dựng kho dự trữ quốc gia riêng và nâng mức dự trữ xăng dầu để ổn định nguồn cung, chủ động điều tiết giá.

Trước đó, trao đổi với Zing, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thừa nhận hiện cơ chế dự trữ quốc gia chưa có hệ thống kho riêng nên giao dự trữ cho các doanh nghiệp đầu mối.

“Theo đó, Bộ Công Thương sẽ có đề xuất với Chính phủ đầu tư hơn về mặt tài chính, xây dựng các kho dự trữ chiến lược, tách dự trữ quốc ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối, không gửi ở doanh nghiệp nữa và can thiệp bằng thuế, phí”, ông Đông nói.

Theo Zing

Chia sẻ:   
Loading...