Truyền thông

Hà Tĩnh chủ động kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng

Nhiều yếu tố bất lợi như xăng dầu, thép xây dựng… đang tăng mạnh, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đang đồng thời xuất hiện, tác động trực tiếp đến việc điều hành giá trên địa bàn Hà Tĩnh.


Xuất hiện đồng thời nhiều yếu tố gây áp lực lên chỉ số CPI

Theo thông tin từ Cục Thống kê Hà Tĩnh, trong 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá của hầu hết các nhóm hàng hoá chính như lương thực, thực phẩm, đồ uống… khá ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ, tạo đà thuận lợi cho công tác kiểm soát thị trường trong những tháng tiếp theo.

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Thống kê Kinh tế (Cục Thống kê Hà Tĩnh) Trần Hoài Nam: “Năm 2022 chỉ số giá tiêu dùng có thể tăng cao hơn so với mức tăng của năm 2021. Đặc biệt, thời điểm hiện tại, nhiều yếu tố bất lợi đang đồng thời xuất hiện, tác động trực tiếp đến việc điều hành giá trên địa bàn tỉnh.”


Giá thép “neo” cao trong những tháng đầu năm gây áp lực không nhỏ đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp.

Sự biến động tăng giá đối với các yếu tố đầu vào sản xuất (vật liệu xây dựng, xăng, dầu..) đã làm cho giá thành sản xuất tăng nên đẩy giá bán sản phẩm tăng. Đây là quy luật tất yếu của thị trường và có tính phản ứng dây chuyền khi sản phẩm đầu ra của ngành này lại là chi phí đầu vào của ngành khác.

Theo đó, sau lần điều chỉnh vào ngày 21/2, giá xăng RON 95 đã vượt “đỉnh” vào tháng 7/2014 (26.140 đồng/lít), và là mức cao nhất từ năm 2005 trở lại đây.


Giá bán nhiều mặt hàng thủy, hải sản, rau xanh... tại Hà Tĩnh ảnh hưởng do biến động của thị trường.

Xu thế tăng giá xăng dầu đang tiếp tục ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân. Chị Nguyễn Thị Mai (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Giá nhiều loại sản phẩm thiết yếu trên thị trường đang trên đà đi lên sau khi giá xăng dầu tăng. Theo đó, các chi phí sinh hoạt cũng “đội” lên đáng kể làm người nội trợ càng khó khăn hơn trong lúc kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19”.

Ở Hà Tĩnh, diễn biến phức tạp của điều kiện thời tiết, nguy cơ tiềm ẩn các loại dịch bệnh gây thiệt hại đối với trồng trọt và chăn nuôi sẽ tác động đến nguồn cung, tâm lý người tiêu dùng và giá lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, giá dịch vụ giáo dục tăng… cũng sẽ tác động không nhỏ tới CPI chung trên địa bàn tỉnh.


Hà Tĩnh cần thực hiện nhiều giải pháp trong kiểm soát thị trường, điều hành giá.


Đồng bộ triển khai nhiều giải pháp kiểm soát thị trường

Trước sự xuất hiện của nhiều yếu tố bất lợi, tác động lớn đến hầu hết các mặt của đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, ngành chuyên môn, đơn vị liên quan đang thực hiện nhiều giải pháp trong kiểm soát thị trường, điều hành giá để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022.

Hà Tĩnh đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas…) để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng để hạn chế tăng giá; thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành nhằm loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, gây tâm lý hoang mang cho người dân.


Hệ thống ngân hàng thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất đối với các đơn vị sản xuất nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Cùng với đó, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất đối với các đơn vị sản xuất nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục, ổn định sản xuất; kiểm soát tốt dịch COVID-19 trên địa bàn; đảm bảo phòng chống dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ người chăn nuôi để tái đàn nhằm tăng lượng cung thực phẩm phục vụ tiêu dùng và tạo sự bình ổn về giá.

Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa cho biết: “Những tháng đầu năm 2022, dưới tác động của tình hình trong nước, thị trường Hà Tĩnh tiếp tục có nhiều biến động nhất là ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu, vật liệu xây dựng, một số mặt hàng thủy hải sản, rau củ… gây thêm gánh nặng cho người dân.

Sở Công thương đã thường xuyên nắm bắt thông tin về diễn biến cung - cầu thị trường, giá cả, khả năng cung ứng, quá trình lưu thông hàng hóa của từng đơn vị, địa phương; báo cáo kịp thời, đề xuất các kịch bản điều hành giá chi tiết cho UBND tỉnh trong thời gian tiếp theo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đảm bảo thông tin chính xác đến nhân dân...”.

Theo Baohatinh.vn

Chia sẻ:   
Loading...