Truyền thông

Hà Tĩnh – Quảng Trị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm đặc sản

Thông qua hội nghị giao thương trực tuyến giữa Hà Tĩnh và Quảng Trị, dự kiến có 23 cặp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà phân phối của 2 tỉnh sẽ kết nối, hợp tác tiêu thụ sản phẩm.

Sáng 29/10, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Tĩnh (Sở Công thương Hà Tĩnh) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Du lịch Quảng Trị tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp 2 tỉnh.


Đến với hội nghị, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, nhà phân phối của Quảng Trị và Hà Tĩnh đã mang theo các sản phẩm của đơn vị để giới thiệu, quảng bá.


Các sản phẩm chủ yếu của Quảng Trị được giới thiệu tại hội nghị gồm: tinh dầu, cao chè vằng, trà gai leo, nước mắm, hạt điều rang muối… Sản phẩm của Hà Tĩnh gồm: tinh bột nghệ, nước mắm, kẹo cu đơ, nhung hươu, cam, nem chua, giò me, bánh ram…


Hội nghị đã dành phần lớn thời gian để các doanh nghiệp 2 tỉnh trực tiếp giới thiệu những thông tin về đơn vị như: ngành nghề sản xuất; quy mô, truyền thống của cơ sở; tên, công dụng sản phẩm; khả năng cung cấp hàng hóa… Đồng thời, các chủ cơ sở cũng bày tỏ mong muốn kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm với đối tác.


Chị Đậu Thị Hoài - Giám đốc HTX Sản xuất chế biến và dịch vụ thủy hải sản Hoài Yến (Thạch Hà): HTX chúng tôi có các sản phẩm chính như: nước mắm, mắm tép các loại. Ngoài ra, chúng tôi cũng có cửa hàng kinh doanh các sản phẩm OCOP của tỉnh. Chúng tôi có mong muốn tiêu thụ hạt điều, cà phê của tỉnh Quảng Trị.


Tiếp đó, các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, hệ thống bán lẻ, điểm bán hàng OCOP… của 2 tỉnh cũng trình bày về các điều kiện khi đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối và nhu cầu hàng hóa của đơn vị. Trong ảnh: Đại diện Trung tâm sản phẩm OCOP và đặc sản Hà Tĩnh (Công ty CP CED Central) mong được kết nối giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh Quảng Trị.


Thông qua phần mềm Zoom, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà phân phối đã trực tiếp trao đổi chi tiết thông tin sản phẩm, phương thức giao hàng và nhu cầu kết nối, hợp tác với nhau. Trong ảnh: Chủ cơ sở nem chua Ý Bình (Hương Sơn) trao đổi thông tin với các cơ sở tại Quảng Trị.


Sau trao đổi tại hội nghị, dự kiến có 23 cặp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà phân phối của 2 tỉnh sẽ kết nối tiêu thụ sản phẩm của nhau.


Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh Võ Tá Nghĩa:Sau hội nghị, trung tâm xúc tiến thương mại 2 tỉnh nên thành lập nhóm zalo để các doanh nghiệp tiếp tục kết nối với nhau. Cùng đó, một số cửa hàng tại 2 tỉnh nên có khu vực trưng bày sản phẩm của tỉnh bạn để giới thiệu với người tiêu dùng. Thời gian tới, sở công thương 2 tỉnh sẽ tiếp tục kết nối, thực hiện vai trò “bà mối” để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Theo Baohatinh.vn

Chia sẻ:   
Loading...