Truyền thông

Khởi nghiệp sáng tạo với thương mại điện tử: Cần có tư duy công nghệ

An toàn hơn kinh doanh truyền thống

Theo ông Hà Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Vinalink, lý do của sự sôi động trong khởi nghiệp thương mại điện tử bởi đây là lựa chọn tương đối an toàn. Nếu thất bại thì người đầu tư cũng không mất nhiều chi phí như các hình thức kinh doanh truyền thống khác. Một nghiên cứu của Vinalink trong quá trình đào tạo các doanh nghiệp cho thấy, tỷ lệ thất bại khi khởi nghiệp với thương mại điện tử gần như bằng không, trong khi khởi nghiệp bằng những hoạt động khác, tỷ lệ thất bại là 99%.

Bảo quản nông sản bằng công nghệ nano bạc, một trong những dự án khởi nghiệp thành công của làng công nghệ nông nghiệp. Ảnh: Thu Cúc

Bên cạnh đó, cơ hội khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á được đánh giá là nhiều tiềm năng phát triển với hơn 330 triệu người dùng internet. Một khảo sát của Google cho thấy, mỗi tháng trong khu vực này có khoảng 3,8 triệu người dùng mới trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đây cũng là nơi có cộng đồng dân số trẻ với thu nhập bình quân đầu người cao, có sẵn hệ thống thanh toán hiện đại nhưng thiếu một thị trường bán lẻ trực tuyến có tổ chức...

Mới đây, Công ty Tư vấn tài chính iPrice đã thực hiện nghiên cứu về tiềm năng phát triển thương mại điện tử tại 6 quốc gia trong khu vực là Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan. Theo đó, một người dân Đông Nam Á dành trung bình 3,6 giờ mỗi ngày để sử dụng điện thoại. Đây là tần suất cao nhất so với các khu vực khác trên thế giới. Truy cập website thương mại điện tử qua các thiết bị di động chiếm tới 72% trong tỷ lệ truy cập vào các website bán hàng. Trung bình một người Đông Nam Á dành khoảng 140 phút mỗi tháng để mua sắm online, gấp đôi so với Mỹ.

Trong số 6 nước được khảo sát, Singapore là nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất (90.530 USD), và Việt Nam là nước thấp nhất (6.880 USD). Giá trị trung bình đơn hàng của người tiêu dùng Singapore là 91 USD/đơn, cao gấp 3,7 lần Việt Nam với 23 USD/đơn. Tuy nhiên, trong số những thước đo thành công của các công ty thương mại điện tử, tỷ lệ khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng thật sự là chỉ số quan trọng nhất. Các doanh nghiệp Việt Nam đang dẫn đầu về tỷ lệ chuyển đổi với 30%, cao hơn Indonesia và Singapore.

Trong khi đó, liên quan tới việc chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang trực tuyến, theo đồng sáng lập Lazada, ông Chris Beselin, cũng là Tổng Giám đốc của một công ty thương mại điện tử tại Việt Nam: Với các công nghệ mới được đưa vào các trang thương mại điện tử như dữ liệu lớn (big data), tự động cập nhật giá, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)... các nhà bán lẻ truyền thống thường gặp khá nhiều rắc rối để sử dụng thành thạo và quản lý cửa hàng trực tuyến của mình. Tại Việt Nam, các startup cũng gặp nhiều khó khăn khác như hệ thống thanh toán kém phát triển, hạ tầng lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan... yếu. Bên cạnh đó, sự thiếu niềm tin vào thương mại điện tử của một bộ phận người tiêu dùng khiến nhiều đơn vị kinh doanh online hoạt động chủ yếu thông qua mạng xã hội Facebook hơn là các nền tảng thương mại điện tử.

Kinh nghiệm từ các chuyên gia

Khi tư vấn cho các nhà khởi nghiệp sáng tạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mắt bão Lê Hải Bình cho rằng: Việt Nam đang dần chuyển dịch sang nền kinh tế số để bắt kịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong quá trình chuyển dịch đó, thương mại điện tử đang trở thành một công cụ không thể thiếu đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khởi nghiệp trong thương mại điện tử không đơn thuần là một cuộc chơi mà là một hành trình đầy gian khổ. Để khởi nghiệp, cần xác định mình bán gì trên internet, rồi sử dụng hai kênh bán hàng phổ biến là mạng xã hội và website. Theo ông Lê Hải Bình, muốn thành công, người khởi nghiệp phải có định hướng đúng đắn, có thể tìm thị trường ngách, tìm lối đi riêng mà không tốn quá nhiều tiền. Mấu chốt là sản phẩm phải có sự khác biệt so với cái thị trường đang có.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống chia sẻ: Việt Nam hiện có 40 triệu người sử dụng internet và gần 60% trong số đó từng mua sắm trực tuyến. Đây là cơ hội tốt cho những bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo sẽ mang đến nhiều lựa chọn nhờ vào việc phân tích dữ liệu về khách hàng. Điều này giúp cho các doanh nghiệp tạo lập chuỗi giá trị và cung cấp các loại hàng hóa theo đúng sở thích của từng khách hàng.

Với cộng đồng sinh viên khởi nghiệp, ông Phi Vĩnh Quý, nhà sáng lập Offers.vn cho rằng, các sinh viên khởi nghiệp với thương mại điện tử thường gặp khó khăn về kỹ thuật làm web, ứng dụng trực tuyến... Để khắc phục, không có cách nào khác là phải học hỏi, tìm nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài.

Thực tế trên cho thấy, thị trường Việt Nam rất nhiều tiềm năng và cũng không ít thách thức cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, giúp giải quyết các vấn đề về công nghệ và chiến lược mà thương mại điện tử đang gặp phải. Tại một chương trình bình chọn startup gần đây, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình khẳng định, mấu chốt của khởi nghiệp sáng tạo là làm về ý tưởng, tạo ra những cái chưa ai nhìn thấy. Do vậy, tư duy công nghệ của các startup rất quan trọng trong khi công nghệ chỉ là công cụ để giải quyết những nhu cầu chưa được đáp ứng.

Khánh Vũ

Theo Báo Hà Nội mới

Chia sẻ:   
Loading...