Truyền thông

“Lạ mắt” cam ruột đỏ trồng ở Hà Tĩnh

Với đặc trưng ruột đỏ óng, tép nhiều, không hạt và có vị ngọt sắc, vườn cam ruột đỏ của anh Lương Linh Nhâm (SN 1982) ở thôn 1, xã Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đang được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh "săn đón”.


Chất lượng quả ngon, phát triển tốt trên vùng đất đồi... là những ưu điểm vượt trội của giống cam ruột đỏ được trồng thành công tại vườn của anh Lương Linh Nhâm ở thôn 1 (xã Thọ Điền).

Chia sẻ về cơ duyên đến với thứ cây "đặc sản" này, anh Nhâm cho biết: "Năm 2013, tôi tình cờ biết đến cây cam ruột đỏ ở Lâm Đồng trong một chương trình truyền hình. Quá trình tìm hiểu, tôi nhận thấy loại cây này có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là phù hợp với đất đai, khí hậu của vùng miền núi Vũ Quang. Xuất phát từ thực tiễn đó, cuối năm 2013, tôi đã cùng vợ vào huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) để tham quan các mô hình trồng cam ruột đỏ ở tỉnh bạn. Được các nhà vườn chia sẻ kinh nghiệm, vợ chồng tôi đã mua 70 cây giống, với giá 150 nghìn đồng/cây về trồng thử nghiệm".


Cũng theo anh Nhâm, nhờ tìm hiểu kỹ quy trình kỹ thuật để áp dụng vào quá trình trồng thử nghiệm, đảm bảo khoảng cách trồng mỗi cây cách nhau 4m, có rãnh thoát nước nên cây phát triển nhanh, thích ứng tốt với thổ nhưỡng, quá trình trồng không có cây nào bị chết. Sau 3 năm trồng, cây đã bắt đầu cho quả, tán và thân cây phát triển đều theo từng năm.


Nhờ chăm sóc tốt, thường xuyên bấm tỉa cành, nên vườn cam luôn xanh mướt, không bị sâu bệnh phá hại. Hiện tại, vườn cam ruột đỏ của anh có hơn 150 gốc, tuy nhiên, mới chỉ có 70 gốc cho quả, số còn lại là diện tích anh mới nhân giống được 2 năm.


Anh Nhâm cho biết: "70 gốc cam gia đình trồng cuối năm 2013 đã cho quả lứa thứ 4. Tuy nhiên, đây là năm cam có năng suất cao nhất, những vụ trước, chỉ đạt 70 - 80kg/cây, cao nhất là 1 tạ, nhưng năm nay bình quân mỗi cây đạt 2 tạ quả, năng suất cuối vụ đạt gần 1,5 tấn".


"Trong sản xuất, tôi luôn ưu tiên yếu tố an toàn, hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học trên cây, vì thế quá trình chăm sóc cây được bón chủ yếu là phân chuồng ủ mục và tưới đủ nước. Khi cây có biểu hiện bị sâu bệnh thì dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học", Anh Nhâm cho hay.


Theo anh Nhâm, cam ruột đỏ hay còn gọi là cam cara, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, khi chín vỏ cam sẽ chuyển dần từ màu xanh sang màu vàng, nhẵn bóng, ruột có màu đỏ tươi, không có hạt. Sau 8 năm trồng cam ruột đỏ, anh Nhâm rút ra kinh nghiệm là phải cải tạo đất nhiều, sau mỗi lứa phải chăm bón cẩn thận.


"Với những ưu thế vượt trội nên cam ruột đỏ được thị trường ưa chuộng, khách trong và ngoài tỉnh đặt mua liên tục. Dù mới vào vụ nhưng vườn cam của gia đình đã được khách đặt mua gần hết. Với giá bán 30 - 45 nghìn đồng/kg, cam ruột đỏ thực sự là giống cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tôi đang mở rộng diện tích để có đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường trong những năm tới" - anh Nhâm phấn khởi nói.


Ngoài bán quả, hiện nay anh Nhâm còn ươm cây giống để cung cấp cho bà con trong vùng và tăng nguồn thu cho gia đình. Anh Nhâm cho biết: "Sau khi thấy gia đình trồng thử nghiệm thành công giống cam này, nhiều nhà vườn đã đến tham quan, học hỏi mô hình và đặt hàng trăm cây giống về trồng. Thời gian tới, gia đình sẽ chú trọng phát triển cây giống và sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để người dân thuận tiện chăm sóc", Anh Nhâm chia sẻ.

"Mô hình trồng cam ruột đỏ của anh Lương Linh Nhâm là mô hình đầu tiên trên địa bàn huyện. Dù mới đưa vào trồng thử nghiệm nhưng giống cây trồng này đã mang lại tín hiệu tích cực, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế vườn đồi của người dân địa phương.

Thời gian tới, phòng sẽ nghiên cứu, khảo sát các khu vực đất đồi thuận lợi để mở rộng diện tích.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang Nguyễn Trường Thọ"

 Theo BHT

Chia sẻ:   
Loading...