Truyền thông

Làng nghề Hà Tĩnh đơn hàng đều tay, phấn khởi sản xuất

Đơn hàng đều tay dịp đầu năm mới giúp chủ doanh nghiệp, người lao động tại các làng nghề ở Hà Tĩnh thêm nhiều động lực trong sản xuất.


Công nhân tại cơ sở đồ gỗ Phúc Mận (thôn Bình Định, xã Thanh Bình Thịnh, Đức Thọ) hoàn thiện sản phẩm cho khách.

Tại làng mộc Thái Yên (xã Thanh Bình Thịnh, Đức Thọ), từ những ngày đầu năm, không khí sản xuất đã nhộn nhịp.

Trao đổi với chúng tôi khi nhân viên đang giao hàng cho khách, chị Nguyễn Thị Mận - chủ cơ sở đồ gỗ Phúc Mận (thôn Bình Định) cho biết: “Dịp cuối năm, một số đơn hàng do sản xuất không kịp để giao cho khách nên ra năm chúng tôi phải làm bù. Ngoài ra, chúng tôi vừa nhận được thêm 3 đơn hàng từ khách quen ở Quảng Bình, Đà Nẵng, giá trị gần 800 triệu đồng. Hiện, cơ sở đang tập trung nhân lực, nguyên liệu để sớm hoàn thiện sản phẩm giao khách".


Thị trường đồ mộc khởi sắc những tháng đầu năm đã tiếp thêm động lực để các cơ sở yên tâm nhập thêm nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất.

Tại xưởng sản xuất rộng gần 300 m2 của doanh nghiệp tư nhân mộc Hải Hường, công nhân cũng đang tất bật. Ông Nguyễn Hữu Hải - Giám đốc Doanh nghiệp phấn khởi cho biết: “Từ ra tết đến nay, chúng tôi đã nhận được 4 đơn hàng trị giá hơn 500 triệu đồng. Các sản phẩm được khách đặt nhiều nhất gồm: bộ tủ kệ, lục bình, phản gỗ, bàn thờ. So với cùng kỳ năm ngoái thì năm nay, thị trường có nhiều khởi sắc hơn, nhờ đó, doanh thu của cơ sở cũng khá hơn rất nhiều".


Từ ra tết đến nay, doanh nghiệp tư nhân mộc Hải Hường đã nhận được 4 đơn hàng trị giá hơn 500 triệu đồng.

Ông Hải chia sẻ: Để giữ uy tín với khách hàng, doanh nghiệp luôn tuân thủ các quy trình sản xuất, cố gắng bắt kịp thị trường, từ đó, đưa ra những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ mang tính thẩm mỹ cao.

Được biết, nghề mộc tại xã Thanh Bình Thịnh làm quanh năm và bán quanh năm. Vì thế, ngay sau kỳ nghỉ tết, các cơ sở, xưởng sản xuất đã nhanh chóng nhập nguyên liệu và bắt tay vào chế tác sản phẩm. Hiện, làng nghề đã có hơn 700 cơ sở sản xuất và kinh doanh với các mặt hàng chủ yếu như: bàn, ghế, giường, tủ, đồ thờ…


Làng mộc Thái Yên hiện có hơn 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ.

Ông Nguyễn Khắc Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Thịnh cho biết: “Bắt “sóng” thị trường, những ngày tháng Giêng, các cơ sở sản xuất đồ mộc ở địa phương đã nhanh chóng bước vào vụ sản xuất mới. Năm nay, với tình hình khởi sắc từ thị trường, tin rằng hoạt động sản xuất của làng nghề sẽ ngày càng phát triển, mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương”.


HTX Mây tre đan Hoàng Phương ở thôn Phú Quý, xã Thạch Liên, Thạch Hà hối hả sản xuất vụ mới.

Làng nghề mây tre đan ở thôn Phú Quý, xã Thạch Liên (Thạch Hà) vào những ngày này cũng đang hối hả sản xuất. Với họ, đây là sự khởi đầu thuận lợi, mang đến kỳ vọng mua may bán đắt.

Tại HTX Mây tre đan Hoàng Phương, 10 nhân công của HTX phải làm việc từ sáng sớm cho đến tối muộn để kịp hoàn thành đơn hàng. Theo ông Nguyễn Văn Tý - Giám đốc HTX, sau gần 7 năm thành lập, HTX đã giúp cho làng nghề phát triển bền vững, thị trường tiêu thụ ổn định. HTX hiện đã trở thành đầu mối cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.


Những đơn hàng đầu năm đã giúp cho HTX Mây tre đan Hoàng Phương có thêm động lực sản xuất vụ mới.

“Từ sau tết đến nay, HTX đã nhận được 10 đơn hàng với tổng giá trị gần 200 triệu đồng, gồm các sản phẩm như: phên tre, rổ… Hiện, chúng tôi đang gấp rút liên hệ với nguồn cung nguyên liệu ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình để kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường” - ông Tý cho biết.

Được biết, HTX Hoàng Phương hiện có 7 thành viên, mỗi năm, sản xuất được khoảng 250.000 sản phẩm; doanh thu đạt gần 5 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.


Mỗi năm, HTX Mây tre đan Hoàng Phương sản xuất được khoảng 250.000 sản phẩm mang lại doanh thu gần 5 tỷ đồng.

Ông Bùi Anh Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Liên cho biết: “Từ khi được công nhận là làng nghề truyền thống vào cuối năm 2021, làng nghề mây tre đan thôn Phú Quý đã phát triển ổn định, được khách hàng biết đến nhiều hơn. Với những tín hiệu tích cực từ đầu năm, hy vọng làng nghề sẽ đạt doanh thu tốt, góp phần giải quyết thêm việc làm, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân”.

Nhìn chung, vào thời điểm này, các làng nghề truyền thống trên địa bàn Hà Tĩnh đang tập trung nhân lực, máy móc để hoàn thành các sản phẩm kịp bàn giao cho khách hàng. Niềm vui đầu năm đang tiếp thêm động lực cho các chủ doanh nghiệp, người lao động tại các làng nghề.

Theo Baohatinh.vn

Link gốc: https://baohatinh.vn/nong-nghiep/lang-nghe-ha-tinh-don-hang-deu-tay-phan-khoi-san-xuat-nbsp/244625.htm

Chia sẻ:   
Loading...