Truyền thông

Tuần biến động mạnh của giá vàng

Giá vàng miếng SJC tuần này lập đỉnh 63,7 triệu đồng, sau đó đảo chiều giảm một triệu rồi lại bật ngược lên, dẫn đến chênh lệch mỗi lượng có lúc hơn 1,6 triệu.

Thị trường kim loại quý trong nước vừa khép lại tuần biến động mạnh nhất trong khoảng một năm qua. Phiên giao dịch đầu năm Nhâm Dần (7/2), mỗi lượng vàng tăng gần một triệu so với trước Tết, lên mức kỷ lục 63,45 triệu đồng. Các hệ thống kinh doanh vàng miếng lớn tiếp tục nâng giá lên 63,7 triệu đồng vào sáng hôm sau, đến chiều đột ngột điều chỉnh còn 62,6 triệu đồng.

Giá vàng bán ra bị nén thêm nửa triệu đồng, xuống 62,1 triệu đồng trước vía Thần Tài một ngày. Trong ngày cao điểm 10/2, giá mới nhích lên lại 62,7 triệu đồng.


Chênh lệch giữa giá mua và bán tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trong tuần qua có lúc lên tới một triệu đồng mỗi lượng, trong khi trước đây dao động 500.000-600.000 đồng. Cá biệt tại hệ thống của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, chênh lệch lên đến 1,6 triệu đồng vào sáng ngày Thần Tài.

Chia sẻ với VnExpress, ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ nhận định có hai nguyên nhân khiến giá vàng tuần này dằn xóc liên tục.

Thứ nhất là giá thế giới tăng nhanh trong bối cảnh rủi ro địa chính trị, cụ thể là căng thẳng Nga – Ukraine leo thang và lo ngại lạm phát kéo dài.

Thứ hai là nhu cầu trong nước tăng mạnh dịp vía Thần Tài, cộng thêm xuất hiện một lực bán đột biến khiến các nhà vàng nới rộng biên độ giá để giảm thiểu rủi ro.

Theo ông Hải, trước khi nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, mỗi ngày SJC mua bán khoảng 10.000 lượng là bình thường. Tuy nhiên, thị trường vàng hiện nay cạnh tranh không hoàn hảo (không nhiều người mua, người bán và không hình thành giá bình quân) nên chỉ cần một lực bán 1.000 lượng đã đủ khiến thị trường xoay chiều.

Vàng miếng trưng bày tại một tiệm vàng ở quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.

Vàng miếng trưng bày tại một tiệm vàng ở quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.

Đồng quan điểm, ông Trần Minh Tớ - đại diện tiệm vàng Kim Kim Xuân (quận 8, TP HCM) – cho rằng giá vàng tăng xấp xỉ một triệu đồng mỗi phiên, sau đó lập tức giảm mạnh là bất thường và hiện tượng này nhiều khả năng bắt nguồn từ một lực bán dồn dập.

"Người bán có thể đã găm hàng trước Tết khoảng 10 ngày ở khoảng giá 61,5 triệu đồng khiến nguồn cung lúc đó bị cạn. Lợi dụng thông tin ngày vía Thần Tài, có thể họ đã kích giá lên và chốt lời số lượng lớn", ông Tớ nhận định.

Ông Tớ dự đoán giao dịch này có thể được thực hiện tại các hệ thống lớn bởi chủ doanh nghiệp hoặc một tổ chức tín dụng, còn khách lẻ thường chỉ giao dịch vài chục đến dưới một trăm lượng, hiếm có tình trạng bán tháo đầu năm.

Ông dẫn chứng, so với những năm trước, lượng khách tại cửa hàng ông không giảm trước và trong ngày Thần Tài. Một số khách hàng vẫn còn liên hệ để mua cầu may dù cửa hàng này đóng cửa lúc 23h. Tuy nhiên, xét về khối lượng giao dịch, vàng nhẫn chỉ được khoảng 60 lượng, trong khi cao điểm trước đây lên đến 100 lượng.

Tuần qua, nếu nhà đầu tư gom một lượng vàng tại vùng đỉnh và bán ra sau ba ngày, người mua lỗ 1,8 triệu đồng. Các chuyên gia dự đoán mức lỗ sẽ được thu hẹp trong tuần sau khi giá vàng trở lại quỹ đạo.

Ông Trần Thanh Hải cho rằng căng thẳng Nga – Ukraine chưa hạ nhiệt có thể kéo dài xu hướng tăng ngắn hạn của giá vàng. Nhiều khả năng giá vàng SJC sẽ vượt mốc 63,7 triệu đồng để lập đỉnh mới. Tuy nhiên, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, đà tăng sẽ bị hãm lại.

Ông Frank Cholly, chiến lược gia cao cấp tại RJO Futures (Mỹ) dự đoán kim loại quý sẽ chinh phục thành công mốc 1.850 USD một ounce trong tuần sau khi nhiều lần tiếp cận nhưng bất thành. Về dài hạn, ông kỳ vọng vàng có thể lên đến 1.900 USD vào giữa năm, tăng gần 3% so với hiện tại.

Theo Phương Đông/vnexpress.net

Chia sẻ:   
Loading...