Truyền thông

Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, cam Khe Mây quyết vươn xa

Được thành lập từ năm 2014, HTX Nông nghiệp cam Khê Mây Long Nhâm (Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh) đã từng bước khẳng định được thương hiệu bằng việc đẩy mạnh đầu tư sản xuất theo hướng VietGAP và ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Sản phẩm cam bù của HTX Long Nhâm tham dự Lễ hội Cam và Sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ 2

Với diện tích hơn 3 ha trồng cam, gia đình anh Đinh Mạnh Hùng (thôn 2, xã Hương Đô) trước đây chỉ phát triển cây cam theo hướng tự phát. Việc chăm sóc, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh đều do gia đình tự học hỏi và áp dụng nên năng suất, hiệu quả kinh tế không cao.

Cuối năm 2014, qua tuyên truyền, vận động, gia đình anh đã mạnh dạn tham gia vào HTX Nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm với mong muốn được hỗ trợ vốn và học tập thêm kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc cây cam từ các hộ sản xuất khác.

Anh Hùng chia sẻ: "Sau khi tham gia HTX, tôi tích cực chăm sóc cam theo quy trình “chuẩn” từ cách làm đất, cắt tỉa, loại bỏ cây sâu bệnh... Đồng thời, ở từng thời điểm phát triển, tôi được hướng dẫn sử dụng các loại phân bón sinh học hợp lý cho cây cam, vì vậy, năng suất, chất lượng sản phẩm được đảm bảo”.

Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm cam của HTX luôn đảm bảo năng suất và chất lượng.

Không chỉ riêng gia đình anh Hùng, các hội viên trong HTX nhờ ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất đã cho năng suất cam cao hơn hẳn và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Như hộ anh Lê Thanh Phương, với 3ha mỗi năm doanh thu gần 400 triệu đồng/năm; hộ ông Nguyễn Văn Quế, doanh thu gần 450 triệu đồng/năm…

Giám đốc HTX Đinh Văn Nhâm cho biết: “Ban đầu, với số vốn ít ỏi cùng với việc nhiều hộ gia đình băn khoăn không muốn bỏ tiền ra đầu tư nên HTX gặp khá nhiều khó khăn. Nhưng cùng sự nỗ lực và cố gắng tuyên truyền của chính quyền và những người đứng đầu HTX, mô hình liên kết đã dần đi vào ổn định và đạt được những kết quả rất tốt”.

Sau gần 5 năm phát triển, HTX đã có 29 thành viên với gần 70ha cam

Đến nay, HTX Nông nghiệp cam Khê Mây Long Nhâm đã có 29 thành viên, với gần 70ha cam, từng bước khẳng định được thương hiệu cam nổi tiếng của địa phương và luôn có đầu ra ổn định khi liên kết tiêu thụ sản phẩm với Doanh nghiệp Tân Thanh Phong.

Đặc biệt, gần 12 ha của HTX đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, những diện tích còn lại đều được lựa chọn thâm canh theo hướng an toàn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Năm nay, HTX dự kiến mang ra thị thị trường tiêu thụ khoảng 320 tấn cam đạt chuẩn với doanh thu gần 8,5 tỷ đồng.

Được biết, với sự hỗ trợ từ đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030”, HTX đã tiến hành dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam của 30 thành viên HTX. Nhờ việc dán tem truy xuất nguồn gốc mà khách hàng có thể tìm hiểu các thông tin về nơi sản xuất, cách thức liên hệ, quy trình sản xuất…

Việc dán tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về chất lượng, nguồn gốc cam của HTX

“Cam Khe Mây của huyện Hương Khê vốn nổi tiếng với vị thanh ngọt đặc trưng, nhưng cũng là vùng cam bị đánh đồng với các loại cam ở nơi khác nhiều nhất. Vì vậy, việc truy xuất được nguồn gốc sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về sản phẩm, khẳng định tên tuổi của HTX. Đồng thời, HTX sẽ tích cực tham gia các hội chợ, triễn lãm có quy mô trong và ngoài tỉnh để quảng bá hơn nữa thương hiệu cam của địa phương” - anh Nhâm chia sẻ thêm.

Chủ tịch UBND xã Hương Đô Đinh Văn Lâm cho biết: "HTX Nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm đã giúp duy trì được cây trồng truyền thống của xã, từng bước giới thiệu thương hiệu cam Khe Mây đến với người tiêu dùng. Thời gian tới, xã cũng sẽ có chính sách ưu tiên để dự án tạo lập nhãn hiệu chứng nhận cho cam Khe Mây được hoàn thành”.

Thái Oanh

Theo Baohatinh.vn

Chia sẻ:   
Loading...