Truyền thông

Thương hiệu trà xanh Thảo Nguyên trên vùng đất Hương Sơn

Hợp tác xã Bảo vệ rừng, trồng rừng và trồng chè công nghiệp Sơn Tây (Hương Sơn - Hà Tĩnh) đã nâng tầm thương hiệu trà xanh Thảo Nguyên, được khách hàng trong, ngoài nước ưa chuộng.

HTX Bảo vệ rừng, trồng rừng và trồng chè công nghiệp Sơn Tây (gọi tắt là HTX Sơn Tây) được thành lập từ năm 2014 tại thôn Kim Thành, xã Sơn Tây với 18 thành viên. Từ năm 2019 đến nay HTX chuyển cơ sở về thôn 4, xã Sơn Lĩnh nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi cũ.

“Những năm đầu mới thành lập, HTX chủ yếu là trồng, mở rộng diện tích chè công nghiệp tại các thôn: Kim Thành, Trung Lưu (Sơn Tây) và 7 thôn của xã Sơn Lĩnh. Sau 5 năm tập trung đầu tư, đến năm 2019, diện tích chè tại 2 xã đã tăng lên 38 ha, trong đó Sơn Lĩnh có 23 ha” - Giám đốc HTX Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết.

 

Thu hoạch chè xanh tại thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây

Năm 2019, nhận thấy diện tích nguyên liệu “đủ lớn” để có thể sản xuất sản phẩm trà xanh, thương hiệu Thảo Nguyên do mình làm chủ, HTX đã đầu tư hệ thống dây chuyền khép kín với các loại máy móc thiết bị do Việt Nam sản xuất như máy vò chè, máy sấy, bom tạo hình, đầu xào… trị giá trên 7 tỷ đồng trên khuôn viên rộng 3.750m2.

Cùng với đó, HTX còn liên kết với 174 hộ trồng chè ở 2 xã Sơn Tây, Sơn Lĩnh để thu mua số lượng lớn chè nguyên liệu nhằm chế biến ra dòng trà xanh Thảo Nguyên đạt đạt chuẩn OCOP 3 sao với những cam kết đôi bên cùng có lợi. Theo đó, các hộ liên kết phải thực hiện trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, dưới sự quản lý của HTX.

Quá trình trồng chè an toàn rất kỳ công, từ khâu chăm sóc, thu hái, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm đều phải đảm bảo theo quy trình nghiêm ngặt. Việc hái chè búp tươi cũng phải theo đúng kỹ thuật nhằm mang lại hiệu quả.Thương hiệu trà xanh Thảo Nguyên trên vùng đất Hương Sơn


Hệ thống dây chuyền ủ sấy chè tại HTX Sơn Tây

Quá trình chế biến dòng trà xanh Thảo Nguyên đạt chuẩn OCOP 3 sao cũng giống như chế biến các loại chè xanh khác, tuy nhiên các yếu tố như nguyên liệu đầu vào, vệ sinh an toàn thực phẩm đòi hỏi khắt khe hơn nhiều. Chè xanh khi hái về, được làm sạch rồi bảo quản ở hầm héo trong khoảng thời gian 3 tiếng. Sau đó chè được đưa vào máy sấy tự động, nhiệt độ trên 300 độ C, rồi đưa vào lò vò, sấy ở nhiệt độ 70 độ C trong khoảng thời gian 30 phút. Tiếp đó chè được đưa vào bom tạo hình, đóng gói sản phẩm. 1 tấn chè tươi sau khi chế biến sẽ được 200 kg chè khô.

Luôn lấy chất lượng sản phẩm làm mục tiêu phát triển, sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, tháng 2/2022 trà xanh Thảo Nguyên được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đây là minh chứng rõ nét cho những cố gắng của HTX trong việc xây dựng thương hiệu và cũng là yếu tố quyết định để Thảo Nguyên có chỗ đứng vững chắc trong nước và tìm kiếm thị trường ngoài nước.


Trà xanh Thảo Nguyên được khách hàng ưa chuộng

Năm 2022, HTX Sơn Tây đạt sản lượng 40 tấn chè khô, doanh thu 1,6 tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 18 thành viên với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người /tháng.

Năm 2023, HTX phấn đấu nâng công suất lên 200 tấn chè khô. Đây không phải là chỉ tiêu khó, bởi cuối năm 2022, HTX Sơn Tây ký nhận bàn giao 174 ha chè tại xã Sơn Tây và Sơn Kim 2 từ Tổng đội Thanh niên xung phong (Tỉnh đoàn Hà Tĩnh) để đưa vào sản xuất, chế biến, nâng tổng số diện tích vùng nguyên liệu lên 212 ha.

Về tiêu thụ sản phẩm, theo Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Tâm, đối với thị trường nước ngoài thì nhu cầu rất lớn nên hàng sản xuất ra không sợ tồn kho.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Sơn Lĩnh cho hay: Sự có mặt của HTX trên địa bàn trong những năm qua đã mang lại nhiều niềm vui cho quá trình phát triển KT - XH của địa phương, đặc biệt là với người dân trồng chè. Trước đây, việc tiêu thụ chè tươi của người dân rất khó khăn nhưng nhiều năm lại nay, bà con thu hái chè đến đâu HTX bao tiêu đến đấy. Hiện giá chè xanh khá cao (12.000/kg) nên bà con rất phấn khởi.

Theo Baohatinh.vn

Link gốc: https://baohatinh.vn/nong-nghiep/thuong-hieu-tra-xanh-thao-nguyen-tren-vung-dat-huong-son/248771.htm

Chia sẻ:   
Loading...