Theo khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng dành nhiều thời gian truy cập internet, tương tác với các mạng xã hội vào lúc rảnh rỗi. Ước tính có đến 95% hộ gia đình ở khu vực thành thị sở hữu ít nhất một điện thoại. Điều này cộng với các trang bán lẻ trực tuyến đang "bạo chi" khuyến mãi và hỗ trợ từ các bên thứ ba như thanh toán, giao hàng... giúp thương mại điện tử tăng trưởng liên tục.
Kantar Worldpanel ước tính, khoảng 25% người tiêu dùng tại các thành phố lớn gồm TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ sử dụng kênh thương mại điện tử để mua sắm trong một năm qua. Tần suất mua sắm trực tuyến khoảng 4 lần mỗi năm, thấp hơn rất nhiều so với kênh tạp hóa và siêu thị nhưng chi tiêu mỗi lần cao nhất trong số các kênh bán lẻ, với 356.000 đồng.
Chiếm chưa đến 20% thị phần, nhưng các kênh mới nổi như thương mại điện tử, cửa hàng tiện lợi và mô hình chuyên doanh (sữa, bia, đồ dùng cho mẹ và bé...) lại đóng góp áp đảo vào doanh thu bán lẻ tăng thêm của ngành hàng tiêu dùng nhanh.
Dự báo trong vòng 5 năm tới, 60% hộ gia đình sống tại các thành phố lớn sẽ mua trực tuyến các mặt hàng tiêu dùng nhanh nhờ tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh tiếp tục tăng, kết nối internet thuận tiện... Đây cũng là kênh bán lẻ đóng góp chủ lực cho mức tăng trưởng 5-6% mỗi năm của toàn ngành.
Tuy nhiên, Kantar Worldpanel khẳng định, thương mại điện tử không ngừng gia tăng sức ảnh hưởng với ngành hàng tiêu dùng nhanh nhưng không thể thay thế mô hình cửa hàng vật lý ít nhất trong 10 năm tới. Người tiêu dùng không chuyển từ kênh này sang kênh khác mà đang có xu hướng mua sắm đa kênh, tận dụng tối đa các chương trình khuyến mãi.
Phương Đông
Theo vnexpress.net
Chào mừng các bạn đến với Sàn GDTMĐT Hà Tĩnh
Hãy đăng kí địa chỉ email để nhận được những tin tức khuyến mại sớm nhất!