HSBC đánh giá du lịch, thương mại và thu hút FDI của Việt Nam có triển vọng tốt năm nay khi Trung Quốc mở cửa lại.
"Mọi thứ đã trở về bình thường một cách toàn diện", Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hai tuần trước tại Davos, Thụy Sĩ. Tuyên bố đưa ra sau 9 ngày nước này bắt đầu mở cửa vào 8/1.
Theo ông Lưu, ngành đồ uống và thực phẩm, du lịch của Trung Quốc bắt đầu bình thường trở lại, và dự báo khoảng 5 tỷ chuyến đi sẽ diễn ra trong kỳ nghỉ tết Âm lịch bắt đầu cuối tuần này.
Đánh giá về quá trình Trung Quốc mở cửa lại, báo cáo phát hành gần đây của HSBC đánh giá khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, dự báo tác động sẽ diễn ra theo 3 hướng chính trong năm nay.
Đầu tiên, tác động trực tiếp nhất được cho là du lịch. Thái Lan đang hưởng lợi lớn nhất nhưng sự hồi sinh của du lịch Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ ấn tượng vì khách Trung Quốc cũng từng chiếm khoảng 30% lượt khách quốc tế.
Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) lắp hệ thống Wfi và mã QR thông tin du lịch để sẵn sàng đón khách du lịch Trung Quốc vào tháng 1/2023. Ảnh: Thanh Tân
Ngoài ra, mặc dù nền kinh tế Việt Nam không phụ thuộc nhiều vào du lịch như Thái Lan, nhưng không thể xem nhẹ tầm quan trọng của ngành này đối với thị trường việc làm. Tại Việt Nam, khoảng 25% lực lượng lao động làm việc trong ngành ăn uống và các ngành liên quan đến lưu trú. Đó là chưa kể thị trường việc làm phi chính thức có liên quan đến du lịch còn lớn hơn.
Ngay dịp Tết Quý Mão, khách Trung Quốc khả năng dần xuất hiện lại. Ví dụ tại Khánh Hòa trong tháng 1 dự kiến có 9 chuyến bay charter đưa các đoàn khách nước này trở lại sau 3 năm tạm ngưng. Các đơn vị lưu trú ở Hội An (Quảng Nam) cũng đã rải rác nhận được các đặt phòng của khách Trung Quốc.
Cú hích thứ hai là thương mại. Từ năm 2020, ASEAN đã vượt EU trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Ngay từ năm 2022, Việt Nam là một trong ba nước Đông Nam Á cùng với Indonesia và Malaysia, ghi nhận xuất khẩu sang Trung Quốc tăng.
Dù Việt Nam không hưởng lợi nhiều vào xuất khẩu khoáng sản hay nông sản sang Trung Quốc như một số láng giềng nhưng cũng được thuận lợi giao thương hơn nhờ hàng xuất khẩu sẽ không còn phải kiểm tra Covid-19 nghiêm ngặt.
Cú hích thứ ba là vốn FDI. Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia dẫn đầu rót vốn vào sản xuất ở ASEAN, nhưng Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp và trở thành quốc gia có nguồn vốn FDI nói chung lớn nhất vào khu vực này.
Việt Nam, cùng với Indonesia và Thái Lan, đã chứng kiến sự gia tăng mạnh về tỷ trọng vốn FDI cho sản xuất từ Trung Quốc, vốn trước đây tập trung đầu tư nhiều vào bất động sản. Trong trường hợp của Việt Nam, Goertek và Luxshare, hai trong số ba nhà cung cấp chính của Apple (ngoài Foxconn của Đài Loan), đã rót thêm vốn trị giá lần lượt là 400 triệu USD và 306 triệu USD để mở rộng sản xuất.
Đây là một phần trong kế hoạch mở rộng đang diễn ra của Apple tại Việt Nam, với kế hoạch di dời gần đây nhất là chuỗi cung ứng MacBook, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất tại Việt Nam vào giữa năm 2023. Do đó, nhìn chung, HSBC dự báo dòng vốn FDI vào sản xuất từ Trung Quốc sau khi gián đoạn trong đại dịch sẽ tiếp tục phát triển thời gian tới.
Theo vnexpress.net
Chào mừng các bạn đến với Sàn GDTMĐT Hà Tĩnh
Hãy đăng kí địa chỉ email để nhận được những tin tức khuyến mại sớm nhất!