Đến với Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh năm 2018, các sản phẩm cam đã bảo hộ thương hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc, thâm canh theo hướng VietGAP… được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn. Đây là hướng đi đúng để thương hiệu Cam Hà Tĩnh vươn xa trên thị trường.
Nhà vườn Nguyễn Văn Trạch (Can Lộc) đã thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, được nhiều khách hàng tin tưởng chọn mua tại lễ hội năm nay.
Năm nay, anh Nguyễn Văn Trạch (xã Thượng Lộc, Can Lộc) mạnh dạn mang đến lễ hội gần 4 tấn cam chanh, cam giòn chất lượng cao của nhà vườn và đã được bán hết trong gần 3 ngày diễn ra sự kiện.
Anh Trạch vui vẻ chia sẻ: “Sau khi chính thức được công nhận và bảo hộ thương hiệu, cam Thượng Lộc có giá bán cao hơn rất nhiều so với trước đây. Hơn nữa, trong năm nay, huyện Can Lộc cũng thực hiện đề án dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam của các hội sản xuất đảm bảo quy trình, chất lượng nên khách hàng càng thêm tin tưởng và đặt mua khá nhiều”.
Sản phẩm cam chanh, cam đường của HTX Nông nghiệp cam Khe Mây Long – Nhâm (Hương Đô, Hương Khê) được khách hàng đón nhận.
Đối với anh Đinh Văn Nhâm, đến với lễ hội lần này, sản phẩm cam của HTX Nông nghiệp cam Khe Mây Long – Nhâm (Hương Đô, Hương Khê) được khách hàng đón nhận và đánh giá cao về chất lượng.
Anh Nhâm cho biết: “Trong quá trình sản xuất, HXT đã thực hiện thâm canh theo hướng VietGAP và tiến hành dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam của 30 thành viên HTX vào năm 2017. Nhờ việc dán tem truy xuất nguồn gốc mà khách hàng có thể tìm hiểu các thông tin về nơi sản xuất, cách thức liên hệ, quy trình sản xuất… ngay tại gian hàng trưng bày. Vì thế, giá bán cũng cao hơn so với mọi năm”.
Thực hiện việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam làm cho khách hàng càng thêm tin tưởng và đặt mua khá nhiều
Trong khi đó, anh Tống Trần Thân - Tổ hợp tác trồng cam Sơn Mai (Sơn Mai, Hương Sơn), cho hay: “Sản phẩm cam của vùng Sơn Mai được nhiều người đánh giá có vị ngọt đậm đặc trưng, vượt trội so với nhiều vùng trồng cam khác trên địa bàn huyện nhưng vì thiếu sự đầu tư bài bản về sản phẩm nên giá bán vẫn còn khá chênh lệch với các vùng sản xuất khác. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn các cấp các ngành sẽ có thêm hướng đầu tư cho người dân, đặc biệt là trong việc công nhận thương hiệu, thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc, cung cấp thông tin về KHKT… để có thể nâng tầm sản phẩm, tìm kiếm thị trường”.
Qua quá trình quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm tại Lễ hội Cam lần này, những sản phẩm cam của các địa phương sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, dán nhãn truy xuất nguồn gốc tại nơi sản xuất và áp dụng thâm canh theo hướng VietGAP, hữu cơ như cam Thượng Lộc, cam Khe Mây, cam bù Hương Sơn… có thể dễ dàng thâm nhập thị trường và được người dân tin tưởng lựa chọn với giá bán khá cao.
Hướng đi này đang là cách làm hiệu quả, giúp nhiều hộ sản xuất phát triển thương hiệu, quảng bá chất lượng cam ngon nổi tiếng của Hà Tĩnh; cung cấp xuất xứ, thông tin nơi sản xuất khiến người tiêu dùng yên tâm khi chọn mua sản phẩm.
Người tiêu dùng có thể thực hiện tra cứu thông tin về nơi sản xuất cam bằng điện thoại thông minh một cách dễ dàng .
Ông Nguyễn Mạnh Tường – Phó trưởng ban tổ chức Lễ hội Cam và các sản phẩn nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ hai năm 2018, cho biết: Qua lễ hội lần này để thấy được rằng, việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất đã trở thành “chìa khoá vàng” để xây dựng bền vững thương hiệu cam và nông sản tiêu biểu của Hà Tĩnh. Từ đó, giúp người dân tăng thêm thu nhập, mở rộng vùng sản xuất sinh thái bền vững.
Thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp, ngành, hộ sản xuất cần quan tâm hơn đến quy trình sản xuất, bảo vệ những giống cam quý của địa phương, thường xuyên tìm tòi để đảm bảo những sản phẩm có chất lượng cao mang đến thị trường, tạo uy tín đối với khách hàng.
Thái Oanh
Theo Baohatinh.vn
Chào mừng các bạn đến với Sàn GDTMĐT Hà Tĩnh
Hãy đăng kí địa chỉ email để nhận được những tin tức khuyến mại sớm nhất!