Đầu tư công nghệ máy móc hiện đại, sản xuất theo tiêu chuẩn, các cơ sở OCOP ở Hà Tĩnh đang tất bật đảm bảo đơn hàng xuất khẩu cho các đối tác.
HTX Nguyên Lâm (huyện Kỳ Anh) bắt đầu ngày mới bằng nhịp độ lao động khẩn trương, hối hả. Tại 2 nhà xưởng thuộc xã Kỳ Giang và xã Kỳ Tiến, gần 20 lao động phân chia công việc đảm nhận quy trình sản xuất bánh đa vừng theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nay, đang là cao điểm sản xuất phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, mỗi ngày HTX phải cho ra 25.000 sản phẩm bánh đa vừng.
Công nhân HTX Nguyên Lâm trộn nguyên liệu phục vụ dây chuyền sản xuất 25.000 bánh đa vừng/ngày.
Ông Lê Văn Duẩn - Giám đốc HTX Nguyên Lâm vui mừng: "Bánh đa vừng Nguyên Lâm đã có mặt tại các thị trường Nga, Nhật Bản. Hiện nay, đơn vị đang đàm phán với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc. Năm 2024, đơn vị đặt mục tiêu sản xuất 6 triệu bánh đa vừng, doanh thu trên 10 tỷ đồng (tăng trưởng gấp đôi so với năm 2023), trong đó 20% sản lượng xuất khẩu".
Từ đầu năm lại nay, HTX Nguyên Lâm đã tiêu thụ trên 800.000 bánh đa vừng, doanh thu 1,7 tỷ đồng. Từ cuối tháng 3 đến tháng 10 là cao điểm xuất hàng đi các nước nên HTX đang tập trung các giải pháp đẩy mạnh dây chuyền sản xuất. Theo đó, HTX vừa đưa vào vận hành nhà xưởng mới tại xã Kỳ Tiến và đang nỗ lực để hoàn thiện các đơn hàng xuất khẩu theo hợp đồng đã ký kết.
Với lượng sản phẩm xuất ra thị trường lớn, HTX Nguyên Lâm cũng tập trung thu mua lúa, gạo và vừng trên địa bàn các huyện Kỳ Anh, Hương Khê. Năm nay, đơn vị dự kiến thu mua trên 400 tấn nông sản các loại phục vụ dây chuyền sản xuất.
HTX Nguyên Lâm đầu tư dây chuyền sản xuất bánh đa vừng hiện đại.
Thời điểm này, mùa thu hoạch sứa biển vào giai đoạn cao điểm, bởi vậy, Tổ hợp tác thu mua, chế biến sứa Mai Dung (xã Thạch Trị, Thạch Hà) cũng tập trung nguồn lực thu mua sứa nguyên liệu. Với kế hoạch sản xuất 150 tấn sứa thành phẩm, vụ này đơn vị dự kiến thu mua trên 1.500 tấn sứa nguyên liệu tại vùng biển bãi ngang Thạch Hà.
Ông Nguyễn Đình Dung – Tổ trưởng Tổ hợp tác thu mua, chế biến sứa Mai Dung cho hay: “2023 là một năm thắng lợi khi thương hiệu OCOP 3 sao sứa Mai Dung được mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản… Năm 2023, đơn vị tiêu thụ 100 tấn sứa thành phẩm, doanh thu đạt 4,5 tỷ đồng. Năm nay, cơ sở phấn đấu tiêu thụ 120 – 150 tấn thành phẩm, doanh thu trên 6 tỷ đồng. Hiện nay, cơ sở đang vay vốn ngân hàng đầu tư thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất, kịp giao hàng theo tiến độ”.
Ngoài sứa Mai Dung, huyện Thạch Hà còn có sản phẩm bánh ram Anh Thu (xã Tân Lâm Hương) tham gia xuất khẩu. Thời gian qua, cơ sở đã đầu tư hàng tỷ đồng mở rộng nhà xưởng, mua sắm hệ thống máy sản xuất bánh ram liên hoàn phục vụ vừa tráng vừa sấy. Năm 2024, cơ sở đặt mục tiêu doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng.
Dây chuyền sản xuất bánh ram Anh Thu được đầu tư hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Duy – Trưởng phòng NN&PTNT Thạch Hà cho biết: “Năm 2023, địa phương có thêm 9 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, nâng số sản phẩm đã công nhận lên 34. Trong đó có 2 sản phẩm (bánh ram Anh Thu, sứa Mai Dung) tham gia xuất khẩu, cơ hội và tiềm năng phát triển lớn.
Thời gian qua, huyện đã triển khai hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản vùng miền. Cùng đó, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đạt chuẩn OCOP tham gia nâng hạng 4 sao, 5 sao; hỗ trợ sản phẩm tham gia chương trình OCOP đạt chuẩn 3 sao trở lên theo quy định; hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý giám sát sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; hỗ trợ đầu tư quảng bá, bán sản phẩm qua các nền tảng mạng xã hội. Địa phương sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ các thương hiệu OCOP phát triển, hướng tới xuất khẩu”.
Chuyển đổi số là cơ hội để các chủ cơ sở OCOP mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu.
Toàn tỉnh hiện có trên 230 sản phẩm OCOP, trong đó 6 sản phẩm OCOP đã tiếp cận được với các thị trường quốc tế, bao gồm: bánh ram Anh Thu, bánh ram Nam Chi, cu đơ Bà Hường, bánh đa vừng Nguyên Lâm, sứa Mai Dung và nước mắm Luận Nghiệp.
Các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tư vấn, hỗ trợ các cơ sở OCOP có khả năng phát triển mở rộng quy mô sản xuất, đạt tiêu chuẩn đủ điều kiện để xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là xúc tiến thương mại trên các nền tảng số, sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ người sản xuất mở rộng, tìm kiếm các thị trường mới có tiềm năng để giới thiệu, bán sản phẩm...
Theo BHT
Linkgốc:https://baohatinh.vn/co-so-ocop-ha-tinh-tat-bat-chuan-bi-don-hang-xuat-khau-post263389.html
Chào mừng các bạn đến với Sàn GDTMĐT Hà Tĩnh
Hãy đăng kí địa chỉ email để nhận được những tin tức khuyến mại sớm nhất!