Truyền thông

Doanh nghiệp có thể dừng đóng bảo hiểm xã hội vì Covid-19

Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đề xuất cho doanh nghiệp khó khăn vì Covid-19 được dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Ngày 20/3, Bộ trưởng Lao động thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết đã trình Thủ tướng đề án hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do Covid-19 với 6 nhóm chính sách.

Với nhóm bảo hiểm xã hội, Bộ đề xuất dừng đóng quỹ bảo hiểm xã hội như tiền hưu trí và tử tuất với các lao động bị dừng việc và doanh nghiệp có trên 50% lao động phải nghỉ việc từ nay đến hết tháng 12. Hiện ngành bảo hiểm xã hội mới dừng đóng bảo hiểm xã hội đến hết tháng 6.

Với nhóm bảo hiểm thất nghiệp, bộ cho phép toàn bộ doanh nghiệp và người lao động được dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 2 đến hết năm 2020. Sau đó doanh nghiệp và người lao động đóng bù thời gian mà không phải nộp tiền lãi chậm đóng. Các lao động nghỉ việc sẽ được miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Bộ cũng đề xuất dừng đóng phí công đoàn và nghiên cứu giảm mức phí này.

Nhóm giải pháp khác là huy động ngân sách trung ương để hỗ trợ doanh nghiệp vay tiền trả lương ngừng việc và đóng các chính sách cho người lao động. Nguồn ngân sách cũng được huy động để giúp doanh nghiệp trả trợ cấp thôi việc.

Nhóm giải pháp tiếp theo là huy động ngân sách địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp bị giải thể, phá sản trả trợ cấp thôi việc cho người lao động. Đồng thời huy động các tổ chức tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn phục hồi sản xuất, với lãi suất khoảng 3,9%.


Công nhân may trong một doanh nghiệp ở Hà Nội. Ảnh: Anh Duy.

Theo Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, hiện có hàng nghìn doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, giảm giờ làm do ảnh hưởng dịch bệnh, như ngành dệt may với gần 2,8 triệu lao động; hàng không, đường sắt, đường bộ có gần 500.000 người.

Ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống với trên 500.000 lao động cũng giảm lương, giãn ca hoặc nghỉ không lương.

Do doanh nghiệp gặp khó khăn nên cả nước đã có 47.000 lao động xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng 2, tăng 59% so với tháng 1 và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng dự báo nếu dịch bệnh được khống chế trong tháng 3, số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc tăng từ 132.000 đến 220.000. Nếu dịch bùng phát kéo dài hơn thì số lao động bị mất việc làm tăng từ 880.000 đến 1,32 triệu.

Theo Đoàn Loan/vnexpress.net

Chia sẻ:   
Loading...