Truyền thông

Doanh thu bán lẻ của Hà Tĩnh đạt hơn 19.731 tỷ đồng

 5 tháng đầu năm 2022, nhờ áp dụng các biện pháp chống dịch COVID-19 linh hoạt, thích ứng trong tình hình mới nên hoạt động kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn Hà Tĩnh đạt kết quả khá với doanh thu bán lẻ đạt hơn 19.731 tỷ đồng, tăng 6,88% so với cùng kỳ


Giá xăng dầu, gas nhiên liệu tăng đã tác động đến giá bán lẻ nhiều nhóm hàng hóa tiêu dùng

Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Tĩnh, tính chung 5 tháng đầu năm 2022, doanh thu tổng mức bán lẻ ước đạt hơn 19.731 tỷ đồng, tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, có 9/12 nhóm hàng có chỉ số doanh thu tăng lần lượt là: xăng, dầu các loại tăng 35,54%; nhiên liệu khác tăng 34,89%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 13,12%; đá quý, kim loại quý các loại tăng 11,98%; phương tiện đi lại tăng 8,67%; lương thực, thực phẩm tăng 5,64%; sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy tăng 3,05%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 2,84%; ô tô tăng 1,55%.

Doanh thu tăng chủ yếu do yếu tố giá xăng dầu, gas nhiên liệu đang ở mức cao đã tác động trực tiếp đến doanh thu nhóm hàng này và chi phí sản xuất, vận chuyển qua đó tác động đến giá bán lẻ nhiều nhóm hàng hóa tiêu dùng, cộng với việc thời tiết chuyển sang mùa nắng tác động đến các mặt hàng điện lạnh, hàng may mặc, đồ uống tăng cầu tiêu dùng.

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng do áp dụng các biện pháp chống dịch linh hoạt trong tình hình mới và tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao khiến ảnh hưởng của dịch đến nền kinh tế hạn chế, không còn nặng nề so cùng kỳ hai năm gần đây.


Sức mua tăng cao trong những tháng đầu năm giúp các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ khôi phục thị trường.

Tuy vậy, hoạt động của các cơ sở bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn nhất định như: hoạt động bán lẻ truyền thống của các đơn vị trong tỉnh đang phải cạnh tranh khốc liệt với các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện tích, hệ thống siêu thị mini và hình thức bán lẻ hàng trực tuyến; chuỗi cung ứng hàng hóa còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc dẫn đến nguồn cung một số hàng hóa hạn chế do tình hình nhập khẩu gặp khó khăn khiến giá bán lẻ tăng cao.

Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa, dịch vụ đang có xu hướng tăng cao do ảnh hưởng bởi chi phí sản xuất và vận chuyển. Vì vậy, cần sớm có các giải pháp thích ứng, hạn chế những tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi và thu nhập của người dân năm trước bị ảnh hưởng.

Theo Baohatinh.vn

Chia sẻ:   
Loading...