Truyền thông

Hà Tĩnh cấp 73 mã số vùng trồng cho nông sản

Đến nay, Hà Tĩnh đã cấp được 73 mã số vùng trồng với diện tích hơn 1.000 ha, chủ yếu là những loại cây trồng chủ lực của tỉnh như lúa, chè, cây ăn quả,…

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.

Xác định việc cấp mã số vùng trồng là cơ hội để tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, HTX, doanh nghiệp đẩy mạnh việc thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng cho những cây trồng chủ lực của địa phương.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức tập huấn về mã số vùng trồng cho các đối tượng như: cán bộ quản lý, chính quyền địa phương, cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ tại cơ sở; tổ chức, cá nhân tổ chức sản xuất và trực tiếp làm việc tại các vùng trồng.


Các địa phương chú trọng áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất bền vững (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ..) để nâng cao giá trị vùng trồng theo hướng hàng hóa. Trong ảnh: Trao chứng nhận sản phẩm lúa cho Tổ hợp tác Sản xuất lúa hữu cơ thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình và chứng nhận sản phẩm gạo hữu cơ cho Công ty CP Hòa Lạc IEC.

Để đạt các quy định cấp mã vùng trồng, Hà Tĩnh cũng đã chú trọng xây dựng các vùng sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đảm bảo an toàn dịch bệnh, thống nhất áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất bền vững (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...) hoặc theo yêu cầu cụ thể từng thị trường; đảm bảo số hóa vùng trồng. Ngoài ra, công tác thiết lập và giám sát mã vùng trồng được Sở NN&PTNT thực hiện thường xuyên, nghiêm túc.

Theo đó, đến nay, Hà Tĩnh đã đã cấp được 73 mã số vùng trồng với diện tích hơn 1.000 ha, trong đó có hơn 770 ha lúa, hơn 89 ha cây ăn quả, hơn 37 ha chè, 17 ha rau các loại,…


Hà Tĩnh có hơn 37 ha chè được cấp mã số vùng trồng.

Việc cấp mã số vùng trồng giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Đây cũng được xem như “giấy thông hành” để nông sản tăng sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu chính ngạch ra thị trường quốc tế.

Mã số vùng trồng còn là một trong những tiêu chí để đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong Bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

Thực hiện mã hóa vùng trồng cũng mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho nông dân như: chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng, vật nuôi, diện tích trồng; cảnh báo tình hình dịch bệnh; lên kế hoạch chăm sóc; danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng; ước lượng năng suất;…

Để được cấp mã số vùng trồng, quá trình sản xuất cần phải bảo đảm các yêu cầu như: quy trình quản lý sinh vật gây hại phải thực hiện theo yêu cầu của nước xuất khẩu; vùng trồng phải được kiểm tra và cấp mã số lần đầu trước thời điểm thu hoạch theo yêu cầu của nước nhập khẩu; canh tác, quy trình, tiêu chuẩn cần tuân theo VietGAP, GlobalGAP,… (có thể không có chứng nhận nhưng vẫn phải tuân theo các quy trình tương đương); có sổ nhật ký đồng ruộng, ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong một vụ sản xuất.

Đối với vùng trồng cây ăn quả, diện tích từ 5 - 12 ha/mã số. Đối với vùng trồng rau, hoa màu, diện tích tối thiểu 500 m2/mã số.

Theo BHT

Link gốc: https://baohatinh.vn/ha-tinh-cap-73-ma-so-vung-trong-cho-nong-san-post271050.html

Chia sẻ:   
Loading...