Truyền thông

Hà Tĩnh kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng, ổn định tâm lý người dân

Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, giá xăng dầu, giá điện được điều chỉnh tăng, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện đã tác động lớn tới đời sống người dân, đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Tĩnh tăng lên.Thực tế này đang đặt ra yêu cầu cần tập trung kiểm soát CPI và lạm phát một cách hợp lý, ổn định tâm lý người tiêu dùng.

Hoạt động mua sắm, tiêu dùng của người dân tại Hà Tĩnh vẫn tiếp tục diễn ra sôi động.

Xuất hiện đồng thời nhiều yếu tố bất lợi

Nhìn lại diễn biến CPI 5 tháng qua có thể thấy, chỉ số giá của hầu hết các nhóm hàng hoá chính như lương thực, thực phẩm, đồ uống… khá ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ; không tác động quá lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Tuy vậy, trong thời gian qua, nhiều yếu tố bất lợi cũng đã xuất hiện, đe dọa sự ổn định giá cả thị trường tại Hà Tĩnh, đẩy CPI trong các tháng tới tăng lên. Theo số liệu từ Cục Thống kê Hà Tĩnh, các yếu tố tác động đã khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 năm 2019 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 1,52% so với cùng kỳ năm trước.

Dịch tả lợn châu Phi lan rộng tại Hà Tĩnh đã ảnh hưởng nhất định đến thị trường thực phẩm

Theo phân tích, bệnh DTLCP tiếp tục có dấu hiệu bùng phát và lan rộng sẽ tiềm ẩn tình trạng thiếu thịt lợn cục bộ (loại thịt được người dân sử dụng nhiều nhất trong số các loại thực phẩm), gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Từ đó, có thể đẩy giá một số mặt hàng thực phẩm khác tăng lên, kích đẩy CPI gia tăng.

Bên cạnh đó, xu thế tăng giá xăng dầu đang tiếp tục ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân. Chị Nguyễn Thị Mai (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Giá nhiều loại sản phẩm thiết yếu trên thị trường Hà Tĩnh đang tiếp tục đà đi lên sau khi giá điện và xăng được điều chỉnh tăng. Theo đó, các chi phí sinh hoạt cũng “đội” lên đáng kể làm người nội trợ càng khó khăn hơn trong cân đối chi tiêu hằng ngày”.

Đặc biệt, theo dự kiến, việc tăng giá điện sẽ làm cho CPI năm 2019 tăng thêm 0,29 - 0,31%, gây sức ép không nhỏ đến việc điều hành, quản lý giá cho các địa phương trong đó có Hà Tĩnh.

Trước diễn biến của dịch tả lợn châu Phi, người dân có xu hướng lựa chọn các thực phẩm khác thay thế, khiến giá các mặt hàng này tăng lên.

Cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp điều hành

Với sự xuất hiện của các yếu tố bất lợi và việc thay đổi nhanh chóng của thị trường tại Hà Tĩnh đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt trong kiềm chế đà tăng giá qua từng tháng, từng quý của các cấp chính quyền, đơn vị liên quan.

Trước mắt, tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung mọi nguồn lực khống chế DTLCP với phương châm "chống dịch như chống giặc". Bởi nếu dịch tiếp tục xâm nhiễm, lan rộng sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi, nguồn cung thịt lợn sụt giảm mạnh đẩy giá các loại thực phẩm chế biến tăng nhanh, tạo ra hiệu ứng tiêu cực đẩy CPI tăng lên.

Cùng với đó, theo phân tích của Cục Thống kê Hà Tĩnh, việc dự báo về ảnh hưởng của giá điện đối với CPI đã được tính đến trong hoạt động phân tích, dự báo của các cơ quan quản lý. Trong đó, việc tăng giá điện vẫn trong khả năng điều chỉnh, khống chế để CPI trong năm 2019 không tăng quá 4%.

Lực lượng quản lý thị trường Hà Tĩnh siết chặt công tác kiểm tra hàng hóa, đảm bảo thị trường lành mạnh tại các địa phương.

Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Hà Tĩnh) Võ Tá Nghĩa cho biết: Những tháng đầu năm 2019, dưới tác động của tình hình trong nước, thị trường Hà Tĩnh tiếp tục có nhiều biến động, diễn biến dịch bệnh khó lường gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. Trước tình hình đó, để kiểm soát CPI, các cấp, ngành, đơn vị liên quan cần phối hợp làm tốt công tác quản lý thị trường, bảo đảm cung - cầu hàng hóa và hoạt động phân phối, lưu thông hàng hóa tại địa phương.

Đồng thời tăng cường công tác phân tích, dự báo, bám sát diễn biến giá cả thị trường tại Hà Tĩnh để báo cáo kịp thời, đề xuất các kịch bản điều hành giá chi tiết trong thời gian tiếp theo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đảm bảo thông tin chính xác, tránh tâm lý bất an trong nhân dân...

Thái Oanh

Theo Baohatinh.vn


Chia sẻ:   
Loading...