Truyền thông

Hiệu ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Hà Tĩnh

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Hà Tĩnh đã có nhiều hiệu ứng tích cực. Trên 78% người tiêu dùng thường xuyên lựa chọn hàng hóa xuất xứ trong nước.

Trên 78% người tiêu dùng thường xuyên lựa chọn hàng hóa xuất xứ trong nước, vị thế hàng Việt được nâng cao trong đời sống.

Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng phát triển rộng khắp và đi vào chiều sâu, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã có các chính sách thiết thực, kịp thời. Từ đó, tạo “bước đệm” quan trọng để phong trào này trở thành một thói quen trong đời sống thường nhật của người dân toàn tỉnh.

Công tác tuyên truyền, vận động được các cấp, ngành tăng cường nhằm phản ánh đầy đủ các nội dung về cuộc vận động, khuyến khích người tiêu dùng mua sắm và sử dụng hàng Việt Nam. Trong 10 năm qua, cơ quan truyền thông các cấp đã tổ chức hàng trăm chương trình, hàng nghìn buổi phát sóng xung quanh nội dung người Việt ưu tiên dùng hàng Việt; quảng bá về chất lượng sản phẩm sản xuất trong tỉnh; tổ chức lồng ghép nội dung vào các chương trình quy mô cấp tỉnh đến những cuộc sinh hoạt ở thôn, xóm...

Công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng... cũng được quan tâm, tạo thị trường hàng hoá lành mạnh.

Nhiều cuộc thi, mít tinh, tuyên truyền như: “Tuổi trẻ Hà Tĩnh đồng hành cùng hàng Việt”, “Ấn tượng doanh nhân”, “Người Hà Tĩnh ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong người dân.

Đồng thời, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ bình ổn giá cả thị trường nhân dịp cuối năm và tết Nguyên đán cho các mặt hàng là sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao với mức hỗ trợ mỗi năm từ 300 triệu đến gần 3 tỷ đồng; hỗ trợ gần 1 tỷ đồng cho các DN thuê địa điểm bán hàng Việt; lồng ghép hỗ trợ trên 1,6 tỷ đồng cho các phiên chợ hàng Việt về nông thôn từ nguồn khuyến công quốc gia…

Hà Tĩnh đã tổ chức thành công lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp chất lượng của tỉnh ta.

Đặc biệt, từ năm 2017, Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh với nhiều đặc sản nông nghiệp nổi tiếng, cây ăn quả có giá trị cao. Đây là dịp quan trọng để tỉnh quảng bá, tôn vinh các sản phẩm của địa phương đến với đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh. Từ đó, kích cầu tiêu dùng, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường cho các sản phẩm của địa phương.

Ông Trần Đình Chung – Cán bộ marketing, Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh chia sẻ: "Những năm qua, cuộc vận động đã thực sự đi sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Cùng với việc kết nối với các đơn vị sản xuất hàng Việt có uy tín thì đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với Sở Công thương tham gia các đợt đưa hàng Việt về nông thôn với giá cả ưu đãi, góp phần hình thành thói quen mua sắm cho người dân".

Sự đồng hành của cả hệ thống chính trị đã góp phần khích lệ các DN đầu tư sản xuất, mở rộng kinh doanh, buôn bán các sản phẩm sản xuất trong nước. Trong 10 năm qua, các DN đã tổ chức hàng nghìn chuyến đưa hàng Việt về các khu tái định cư, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Mua sắm ở siêu thị, trung tâm thương mại, điểm bán hàng Việt... đã trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều người dân, tạo hiệu ứng lan toả cho cuộc vận động.

Cùng với đó, hàng năm, theo chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia, các DN lớn trong tỉnh tổ chức gần 20 “Phiên chợ hàng Việt” tại các xã vùng biên giới và nông thôn như Hương Khê, Vũ Quang,… với số lượng tham gia từ 25 - 45 gian hàng/phiên. Các phiên chợ thu hút của nhiều thương hiệu Việt uy tín và các sản phẩm sản xuất tại Hà Tĩnh, góp phần quan trọng thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân cũng như nhận thức của DN đối với thị trường nội địa.

Sức mua tiêu thụ hàng Việt ở các chợ nông thôn, các trung tâm thương mại, siêu thị liên tục tăng trưởng.

Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh Hoàng Văn Quảng đánh giá: "Với sự nỗi lực, đồng hành của các cấp, ngành, DN, nhận thức và thói quen của người tiêu dùng Hà Tĩnh đã có sự thay đổi đáng kể. Sức mua tiêu thụ hàng Việt ở các chợ nông thôn, các trung tâm thương mại, siêu thị liên tục tăng trưởng, tâm lý tiêu dùng hàng nội đã trở thành thói quen của người dân. Qua điều tra và nắm bắt thông tin, có trên 78% người tiêu dùng mua sắm hàng hoá được sản xuất trong nước, trong tỉnh. Từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa, “tiếp sức” cho các DN, cơ sở sản xuất trong nước đầu tư thiết bị hiện đại, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đa dạng mẫu mã, bắt kịp xu thế mới của thị trường".

Thái Oanh

Theo Baohatinh.vn

Chia sẻ:   
Loading...