Truyền thông

Linh hoạt điều hành chỉ số CPI những tháng cuối năm 2024

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, công tác quản lý, điều hành giá ở Hà Tĩnh cần tiếp tục được thực hiện một cách chủ động và linh hoạt vào những tháng cuối năm.


Các mặt hàng có mức biến động mạnh chủ yếu tập trung ở nhóm lương thực, thực phẩm.

Thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế, giá cả thị trường trong và ngoài nước có nhiều yếu tố không thuận lợi nhưng công tác điều hành giá trên địa bàn Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Số liệu từ Cục Thống kê Hà Tĩnh cho thấy, tốc độ tăng của CPI trong 9 tháng năm 2024 đảm bảo kiểm soát dưới mức mục tiêu của Chính phủ đưa ra là 4,5%. Theo đó, CPI 9 tháng năm 2024 tăng 3,33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị tăng 3,69%, nông thôn tăng 3,17%. Trên thị trường tiêu dùng, những mặt hàng có mức biến động mạnh chủ yếu tập trung ở nhóm lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện nước sinh hoạt…

Tuy nhiên, chỉ số CPI được ngành chuyên môn dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm. Nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tiêu dùng và quá trình điều hành giá trên thị trường đòi hỏi các cơ quan quản lý cần theo dõi, chủ động hơn.


CPI 9 tháng năm 2024 tại Hà Tĩnh tăng 3,33% so với cùng kỳ năm trước

Phân tích về các yếu tố ảnh hưởng đến CPI trong thời gian tới, ông Nguyễn Trung Thành - Phó Cục trưởng Cục Thống kê Hà Tĩnh cho biết: “Chỉ số CPI có thể chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như giá nguyên liệu toàn cầu, chính sách tiền tệ và tình hình sản xuất trong nước, các biện pháp điều hành giá, quản lý cung cầu. Ngoài ra, chỉ số giá bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trong những tháng cuối năm dự kiến tiếp tục tăng. Đặc biệt, nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình có thể tăng cao. Thời tiết chuyển dần sang mùa lạnh cũng khiến nhu cầu các nhóm mặt hàng như may mặc, thực phẩm, đồ dùng gia đình, điện sinh hoạt có sự thay đổi lớn”

Mức tiêu dùng các tháng cuối năm tăng lên trong khi mặt bằng giá các loại dịch vụ, hàng hóa đang “neo” cao đang vô hình trung khiến áp lực cân đối chi tiêu tăng lên. Chị Phạm Thị Mai - nhân viên văn phòng tại TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Thông thường càng về cuối năm, giá lương thực, thực phẩm thiết yếu như: gạo tẻ, dầu ăn, đường, thịt lợn, thịt gia cầm… có khả năng tăng lên, nhất là trong các đợt lễ, tết. Việc tiêu dùng, sử dụng các dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình cũng nhiều lên nên chắc chắn việc cân đối chi tiêu sẽ trở nên khó khăn hơn”.


Nông dân Hà Tĩnh sản xuất vụ đông, đáp ứng nguồn cung thực phẩm tại chỗ.

Ở Hà Tĩnh, những tháng cuối năm thời tiết thường diễn biến phức tạp, khó lường; nguy cơ tiềm ẩn các loại dịch bệnh gây thiệt hại đối với trồng trọt và chăn nuôi. Điều này dự báo sẽ tác động lớn đến nguồn cung, tâm lý người tiêu dùng và giá lương thực, thực phẩm. Do ảnh hưởng của mưa lớn, riêng trong tháng 9 vừa qua, giá nhóm lương thực tăng 0,65% so với tháng trước và tăng 11,69% so với cùng tháng năm trước. Giá nhóm thực phẩm tăng 0,23% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 5,87%.

Chị Phan Thị Mai - chủ buôn tại chợ Bình Hương (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Cơn bão số 3 làm nhiều vựa rau lớn ở các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng nên hiện nay tất cả nguồn cung rau củ đều từ miền Nam ra, giá hàng nhập vào thị trường Hà Tĩnh vì thế cũng tăng lên khá nhiều. Dự báo giá rau xanh sẽ chưa thể “hạ nhiệt” trong thời gian tới vì nguồn rau ngoại tỉnh không dồi dào trong khi hoạt động sản xuất vụ đông tại các địa phương chưa bước vào đợt tập trung”.

Bên cạnh những yếu tố tiêu cực, nhiều yếu tố tích cực đã góp phần kiềm đà tăng CPI. Trong đó, giá dầu thế giới giảm làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước quý III/2024 giảm 7,72% so với cùng kỳ năm trước. Việc điều chỉnh giảm sâu giá xăng, dầu sẽ làm giảm chi phí sản xuất và vận chuyển, ảnh hưởng đến giá bình quân của nhiều mặt hàng. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; sự chủ động trong nguồn cung lương thực, thực phẩm tại chỗ… cũng tạo ra tâm lý tích cực cho thị trường tại Hà Tĩnh.


Bà con nông dân chú trọng hoạt động tái đàn chăn nuôi gắn với phòng chống dịch bệnh để đảm bảo nguồn cung thịt gia súc, gia cầm cuối năm.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa, trong những tháng cuối năm, thị trường sẽ sôi động hơn, nhu cầu hàng hóa, đi lại tăng, giá một số loại hàng có thể biến động tăng do ảnh hưởng của giá thế giới và chi phí đầu vào tăng; nguồn cung, giá xăng dầu trong tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, phụ thuộc vào nguồn cung, giá cả xăng dầu thế giới và sự điều hành của Trung ương... Điều này tiếp tục có ảnh hưởng lớn đến công tác điều hành giá.

Sở Công thương sẽ chủ trì và phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát nhu cầu tiêu dùng của người dân và khả năng cung ứng hàng hóa của các đơn vị phân phối để tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch bình ổn thị trường cuối năm. Đồng thời, đơn vị sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, tăng cường quản lý và điều hành giá nhất là trong thời điểm xảy ra thiên tai, bão lũ; phối hợp với Sở Tài chính để phân tích và dự báo thông tin thị trường, từ đó tham mưu kịp thời các giải pháp cân đối cung cầu và quản lý giá;

Các ngành và địa phương cũng cần có kế hoạch, khuyến khích các doanh nghiệp phân phối chủ động chuẩn bị nguồn hàng, thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu. Đối với mặt hàng thịt lợn, doanh nghiệp, người chăn nuôi chú trọng thực hiện tái đàn gắn với việc đảm bảo an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành chuyên môn nhằm duy trì nguồn cung ổn định cho những tháng cuối năm.

Theo BHT

Link gốc: https://baohatinh.vn/linh-hoat-dieu-hanh-chi-so-cpi-nhung-thang-cuoi-nam-2024-post275091.html

Chia sẻ:   
Loading...