Với những chính sách thiết thực, TP Hà Tĩnh đang dần hình thành hệ sinh thái nông nghiệp đa dạng, đặc trưng và kiến tạo vành đai xanh ven đô trên hành trình xây dựng đô thị xanh, phát triển bền vững.
HTX Thanh niên Thành Sen thuê lại 5 ha đất sản xuất của người dân xã Đồng Môn và phá bỏ bờ thửa để tích tụ ruộng đất, sản xuất nông nghiệp.
Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của nông nghiệp đô thị gắn với dịch vụ sinh thái, năm 2021, HTX Thanh niên Thành Sen (xã Đồng Môn) được thành lập với sự định hướng, hỗ trợ tích cực từ cơ quan chức năng. Hướng đi sáng tạo của HTX cũng là chủ trương lớn của thành phố trong tiến trình đổi mới phát triển nông nghiệp, nông thôn.
HTX Thanh niên Thành Sen trồng thử nghiệm các loại rau hàng hóa cao cấp như dưa hấu táo…
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Lê Anh Tuấn chia sẻ: “Với sự đồng hành của chính quyền địa phương, chúng tôi được hỗ trợ thuê lại 5 ha đất sản xuất của bà con các thôn Quyết Tiến và Thanh Tiến, xã Đồng Môn. Từ đó, HTX phá bỏ bờ thửa để tích tụ ruộng đất, sản xuất nông nghiệp.
Chúng tôi xác định làm nông nghiệp đô thị sẽ phải ứng dụng công nghệ cao. Do đó, HTX đầu tư xây dựng nhà lưới rộng 3.000 m2 với đầy đủ hệ thống phun sương tự động, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm... Bên cạnh đó, HTX cũng trồng thử nghiệm các loại rau hàng hóa cao cấp như củ cải đỏ, củ dền, dưa leo Nhật Bản, măng tây, dưa hấu táo… bước đầu cho kết quả khả quan.
Vào mùa cao điểm, mỗi ngày, HTX Thanh niên Thành Sen cung cấp khoảng 1-1,5 tấn rau, củ, quả cho người tiêu dùng ở Hà Tĩnh.
Vào mùa cao điểm, mỗi ngày, HTX cung cấp khoảng 1 - 1,5 tấn rau, củ, quả cho người tiêu dùng ở địa phương, doanh thu hằng tháng ước đạt khoảng 300 triệu đồng. Mặc dù mới đi vào hoạt động, HTX đang tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.
Thôn Liên Nhật, xã Thạch Hạ đang hình thành một khu du lịch trải nghiệm ngay trên những ruộng lúa.
Còn tại thôn Liên Nhật, xã Thạch Hạ đang hình thành một khu du lịch trải nghiệm ngay trên những ruộng lúa. Đây là mô hình “3 trong 1”, vừa sản xuất lúa hữu cơ, nuôi trồng các loại thủy sản và mở các dịch vụ theo hướng sinh thái của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật.
Anh Nguyễn Hữu Quyền - Giám đốc HTX cho hay: “Vùng sản xuất của HTX được thực hiện trên 10 ha, chúng tôi bắt tay xây dựng từ cuối năm 2021, đến nay, nhiều công đoạn đã được hoàn thiện. Mặc dù chưa kịp triển khai các dịch vụ nhưng trong vụ xuân năm 2022, doanh thu từ lúa hữu cơ và một số loại thủy sản như cá rô đầu vuông, tôm càng xanh, chạch sụn, cua đồng… dự kiến khoảng 400 triệu đồng. Đây là tín hiệu vui, cho thấy HTX đang đi đúng hướng”.
Nhiều loại thủy sản sinh trưởng và phát triển tốt dưới ruộng lúa.
Theo anh Quyền, để làm nông nghiệp đô thị rất khó bởi không thể “một phát ăn ngay” mà cần một quá trình lâu dài. Bởi vậy, việc đồng hành của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của bà con trong vùng là rất quan trọng. Dù đã ấp ủ ý tưởng từ lâu nhưng đến nay, HTX mới có thể thực hiện, khi HTX tiếp cận được các chính sách và sự cam kết hỗ trợ của các cấp, ngành, đặc biệt trong việc tích tụ ruộng đất. Đây cũng là mô hình nông nghiệp tuần hoàn, chi phí sản xuất thấp nhưng sản phẩm đầu ra có chất lượng cao, an toàn.
Mô hình nuôi trai lấy ngọc tại xã Đồng Môn bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Chủ trương của các cấp ủy Đảng và chính quyền thành phố hiện nay là tập trung cao cho tích tụ ruộng đất gắn với phát triển kinh tế tập thể để xây dựng các mô hình nông nghiệp đô thị trọng tâm.
Theo đó, thành phố đã xây dựng các chính sách hỗ trợ để hình thành các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, hỗ trợ từ giống, đầu tư hạ tầng và thiết bị công nghệ cao đến việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu. Đặc biệt, xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện thành phố đã xây dựng chuỗi cửa hàng Thành Sen Mart nhằm tạo kênh tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Từ các chủ trương, chính sách, thành phố đã xây dựng một số mô hình điểm như: nuôi trai lấy ngọc; sản xuất rau, củ, quả theo hướng hữu cơ; nuôi ong lấy mật; trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi các loại thủy sản; trồng sen; sản xuất dưa lưới trong nhà màng; sản xuất bánh đa nem…
Thành phố cũng đang quy hoạch, chuyển đổi vùng Đồng Ghè, xã Thạch Hạ khoảng 42-60 ha lúa năng suất thấp, đất hoang hóa, nhiễm phèn, kém hiệu quả sang mô hình dự án trồng cây ăn quả tập trung, nuôi trồng thủy sản kết hợp dịch vụ và du lịch sinh thái ẩm thực đồng quê. Các mô hình bước đầu đã khẳng định được hiệu quả kinh tế và tạo ra hình hài mới cho nền sản xuất nông nghiệp đô thị.
Các mô hình nông nghiệp sinh thái ở TP Hà Tĩnh được lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân đánh giá cao.
Trưởng phòng Kinh tế UBND thành phố Trần Quang Hưng cho biết, tốc độ đô thị hóa của TP Hà Tĩnh đang ngày càng tăng nhanh, đồng nghĩa với việc diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp. Trong khi đó, nhu cầu sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông sản sạch của người dân ngày càng tăng cao. Do vậy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững là xu hướng phát triển tất yếu của nông nghiệp đô thị ven đô trong tương lai. Ngoài các mô hình quy mô lớn, thành phố cũng có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế vườn, trồng cây ăn quả kết hợp rau ngắn ngày. Bên cạnh đó, phát triển các mô hình kinh tế về sinh vật cảnh, cây cảnh…
Thời gian tới, TP Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện các mô hình và đánh giá, tiến tới nhân rộng, nâng cấp thành quy mô hàng hóa, liên kết tiêu thụ. Điều này không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn phát triển vành đai xanh, tạo thế cân bằng sinh thái cho đô thị.
Theo Baohatinh.vn
Chào mừng các bạn đến với Sàn GDTMĐT Hà Tĩnh
Hãy đăng kí địa chỉ email để nhận được những tin tức khuyến mại sớm nhất!