Truyền thông

Người dân Hà Tĩnh chật vật chi tiêu trước “bão giá” xăng dầu

Giá xăng tăng lần thứ 6 liên tiếp đã khiến hàng hóa, dịch vụ chịu sức ép tăng giá. Nhiều người dân Hà Tĩnh đang phải chắt bóp từng chút mới đủ chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày.

Nhiều loại rau củ, thực phẩm tăng từ 10 - 30%

Giá xăng dầu liên tục “phi mã” đã kéo theo giá các mặt hàng như: đồ ăn, thực phẩm, đồ thiết yếu... tăng theo, tác động mạnh đến đông đảo người dân cũng như các tiểu thương.


So với thời điểm đầu tháng 5, mặt hàng dầu ăn, gia vị đều tăng giá.

Vừa bổ sung hàng lên kệ, chị Nguyễn Thị Bình, chủ tiệm tạp hóa trên đường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Hơn 1 tháng nay, nhiều mặt hàng tiêu dùng được thông báo tăng giá. Điển hình dầu ăn Neptune hiện có giá 52.000 đồng/lít, dầu ăn Simply 56.000 đồng/lít. So với thời điểm đầu tháng 5, mỗi chai (dung tích 1 lít) dầu ăn đều tăng giá 3.000 - 5.000 đồng/chai. Giá mì tôm, nước mắm cũng không ngoại lệ khi đồng loạt “rủ nhau” tăng. Mì Omachi, Ba Miền đều nhích 5.000 - 10.000 đồng/thùng, giá bán theo gói thậm chí còn cao hơn. Nước mắm Nam Ngư, Chinsu từ 40.000 đồng/chai lên 43.000 đồng/chai...”.

Tương tự, một số hàng quán ăn uống cũng đã phải tăng giá bán khi áp lực giá xăng liên tục tăng cao. Quán bún riêu của chị Nguyễn Ngọc Duyên nằm trên đường Nguyễn Huy Tự - TP Hà Tĩnh nhiều năm luôn giữ mức giá 30.000 đồng/bát. Kể từ đầu tháng 3 đến nay, giá thực phẩm như rau, gia vị liên tục tăng khiến chị không thể cầm cự được nữa, phải tăng thêm 5.000 đồng/bát để bù giá.

“Quán chủ yếu bán cho người dân lao động nên tôi cố gắng giữ giá trong thời gian dài nhưng nay không thể giữ được nữa do giá các chi phí khác đã tăng khoảng 10 - 15% so với năm ngoái. Tôi cũng chỉ tăng giá theo mặt bằng chung chứ cũng không dám tăng nhiều" - chị Duyên chia sẻ.


Chị Phan Thị Hà - tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh phải chi trả một khoản rất lớn cho chi phí vận chuyển.

Bên cạnh hàng ăn, hiện giá nhiều mặt hàng tươi như: rau củ, thực phẩm... cũng theo đà tăng. Khảo sát tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống như: chợ TP Hà Tĩnh, chợ Bắc Hà, chợ Bình Hương…, nhiều loại rau củ, thực phẩm tăng từ 10 - 30% so với thời điểm đầu tháng. Cụ thể, giá bắp cải trắng tăng từ 12.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg; cải xanh từ 8.000 đồng/mớ lên 10.000 đồng/mớ; cà chua từ 16.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg.

"Trước đây, cước xe vận chuyển vào sạp hàng chỉ 150.000 đồng/chuyến nay tăng 180.000 đồng/chuyến. Chợ thưa người, nắng nóng rau héo hết, bán buôn đìu hiu lắm”, chị Phan Thị Hà - tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh bộc bạch.

Nặng gánh chi tiêu

Trước tác động từ việc xăng dầu tăng giá, không ai “đau đầu” bằng những người nội trợ. Chị Nguyễn Thị Mỹ (xã Thạch Đài - huyện Thạch Hà) chia sẻ: “Gia đình có bốn người. Trước đây, mỗi ngày đi chợ hết khoảng 150.000 đồng thì bây giờ phải hơn 200.000 đồng mới đủ. Nếu không căn ke tính toán thì rất khó trong việc chi tiêu cho hợp lý".


Chị Nguyễn Thị Mỹ (xã Thạch Đài - huyện Thạch Hà) tính toán, tiêu dùng tiết kiệm cho gia đình.

Cùng chung nỗi lo, chị Trịnh Thuỳ Trinh (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) bày tỏ: “Công việc của tôi thường đi khảo sát thị trường. Trước đây, chi phí cho việc đi lại khoảng trên dưới 1 triệu đồng/tháng thì nay là 1,5 đồng/tháng. Giá xăng liên tục tăng đã ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của cả gia đình.


Giá xăng tăng cao khiến nhiều nhân viên như chị Trịnh Thuỳ Trinh (phường Bắc Hà - TP Hà Tĩnh) gặp khó.

Với gia đình anh Phạm Minh Đức (xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà), cuối tháng 6 này sẽ hết hạn hợp đồng thuê phòng trọ rộng 30m2. Gia đình muốn gia hạn hợp đồng thì được chủ nhà trọ thông báo, giá phòng tăng từ 2 triệu đồng/tháng lên 2,3 triệu đồng/tháng. Tất cả mọi chi phí đều tăng cộng với xăng "nhảy giá" liên tục khiến gia đình anh phải chắt bóp chi tiêu.

Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa phân tích: "Tác động của việc tăng giá xăng dầu đã dẫn tới áp lực tăng giá đối với đa số các mặt hàng. Đây là quy luật tất yếu của thị trường và có tính phản ứng dây chuyền khi sản phẩm đầu ra của ngành này lại là chi phí đầu vào của ngành khác. Tuy nhiên, điều này cũng đang làm gia tăng áp lực về chi phí tiêu dùng của người dân.

Sở Công thương Hà Tĩnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các phương án nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu theo kế hoạch của UBND tỉnh; rà soát, đánh giá lại tình hình sản xuất, nguồn cung đối với một số sản phẩm như: thịt lợn, bò, gia súc, thủy hải sản và rau, củ, quả. Sở đã làm việc với các doanh nghiệp phân phối hàng hóa lớn để giữ ổn định giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu nằm trong chương trình bình ổn giá. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, các hành vi cố ý găm hàng chờ tăng giá, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định".

Chiều 13/6, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, thay vào ngày 11/6 trùng vào ngày nghỉ.

Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 880 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 800 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 31.110 đồng/lít và xăng RON 95 là 32.370 đồng/lít.

Đây là đợt tăng thứ 6 liên tiếp và là đợt tăng thứ 12 của mặt hàng này trong nửa đầu năm 2022. Hiện, giá bán lẻ các loại xăng tiếp tục lập đỉnh mới, riêng xăng RON 95 vượt mốc 32.000 đồng/lít, cao hơn mức thiết lập kỳ điều hành 1/6 vừa qua.

Đáng chú ý, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này được điều chỉnh tăng rất mạnh 2.490-2.630 đồng/lít. Theo đó, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel 29.020 đồng/lít, dầu hỏa là 27.830 đồng/kg...

Theo Baohatinh.vn

Link gốc: https://baohatinh.vn/thuong-mai-dich-vu/nguoi-dan-ha-tinh-chat-vat-chi-tieu-truoc-bao-gia-xang-dau/233212.htm

Chia sẻ:   
Loading...