Truyền thông

Người Việt mua hàng online trung bình 4 lần mỗi tháng

Trung bình người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến 4 lần mỗi tháng, cao gấp đôi so với khảo sát vào 2023, theo NielsenIQ Việt Nam.

Con số này cũng cao gấp đôi so với tần suất đi siêu thị hàng tháng của người Việt, theo công ty nghiên cứu thị trường này. Cũng theo khảo sát được nêu tại sự kiện hôm 28/6, một người sử dụng 3,2 nền tảng để mua hàng online.

Hàng trực tuyến có giá rẻ không phải là lý do lớn nhất để thuyết phục người tiêu dùng. Hai lý do được nhiều người quan tâm hơn là mua để dự trữ tiêu dùng cho gia đình (25%) và phục vụ ăn uống tức thì (21%).

Những năm trước, người Việt lên thương mại điện tử chủ yếu để mua hàng không thiết yếu như đồ điện tử, thời trang hay gia dụng. Tuy nhiên, ngày nay họ đi chợ mạng thường xuyên hơn và để sắm các nhu yếu phẩm hàng ngày.


Theo NielsenIQ, khách hàng mua trung bình 6,5 loại sản phẩm. Trong đó, top 3 có tỷ lệ mua sắm cao nhất là thực phẩm, đồ uống và mỹ phẩm cá nhân. Các ưu tiên tiếp theo mới dành cho thời trang - thể thao, chăm sóc nhà cửa và công nghệ.

Nhận xét tại sự kiện mới đây, ông Lê Hoàng Long, Trưởng khối Retailer Vertical NielsenIQ Việt Nam nói mua sắm online đã thành "bình thường mới"."Mua sắm trực tuyến đang trở thành hoạt động phổ thông, các mặt hàng thiết yếu ngày càng phổ biến", ông nhận định tại TikTok SMB Summit 2024 hôm 28/6.

Trước đó, báo cáo quý I của hãng dữ liệu thương mại điện tử Metric cho hay người Việt "chi bạo" hơn cho mua sắm trực tuyến, vượt xa dự báo của các sàn. Năm sàn lớn nhất gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop, doanh thu bán lẻ tổng cộng đã cán mốc 71.200 tỷ đồng, tăng trưởng đến 78,69% so với cùng kỳ 2023.

Thương mại điện tử đang duy trì tốc độ tăng trưởng tốt hơn thị trường bán lẻ nói chung. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nửa đầu năm tăng 5,7% - sau khi loại trừ yếu tố tăng giá, chậm hơn mức 8,8% của cùng kỳ 2023.


Ông Hưng Huỳnh, Giám đốc Quốc gia phụ trách TikTok for Business SMB Việt Nam tại sự kiện hôm 28/6. Ảnh: TikTok Việt Nam

Ông Hưng Huỳnh, Giám đốc Quốc gia phụ trách TikTok for Business SMB Việt Nam, nhận định thị trường thương mại trực tuyến vẫn còn rất rộng mở, tiềm năng nhưng chưa được các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ khai thác đúng cách. "Nguyên nhân chính xuất phát từ những hạn chế về nguồn nhân lực, công cụ và kỹ năng thực hành chuyển đổi số của các doanh nghiệp", ông nói.

Nửa cuối năm 2024, TikTok Shop Việt Nam có kế hoạch hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ với tổng ngân sách một triệu USD. Họ không làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp mà thông qua chính quyền địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất danh sách hỗ trợ.

Đã có 20 tỉnh, thành phố và hơn 10 hiệp hội ngành hàng gửi danh sách. "Chúng tôi cũng dự định một tuần tổ chức lễ hội livestream tại một tỉnh", ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện TikTok Việt Nam nói hôm 28/6.

Theo vnexpress.net

Chia sẻ:   
Loading...