Truyền thông

Nhóm nông sản đồng loạt tăng giá, các mặt hàng kim loại tiếp tục chịu sức ép

Đóng cửa ngày giao dịch đầu tuần (22/8), thị trường hàng hóa đón nhận lực mua tích cực trên 3 nhóm Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp và Kim loại.

Điều này đã hỗ trợ cho chỉ số MXV- Index nối dài đà tăng sang ngày thứ 4 liên tiếp, lên mức 2.650 điểm, tăng nhẹ 0,7% so với ngày trước đó. Đáng chú ý, dòng tiền đến thị trường có sự gia tăng mạnh, đặc biệt là đến nhóm các mặt hàng Nguyên liệu công nghiệp và Kim loại; thể hiện việc nhà giao dịch Việt Nam đang rất chú trọng đa dạng hóa danh mục đầu tư. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng vọt đến hơn 50%, đạt mức 5.500 tỷ đồng


Kim loại là nhóm hàng hóa nguyên liệu duy nhất vẫn chịu nhiều sức ép trong ngày hôm qua. Trong khi đó, thị trường ghi nhận nhiều mức tăng ấn tượng của các mặt hàng quan trọng như Khí tự nhiên hay Cà phê Arabica (tăng 3,68%). Đáng chú ý, mặc dù liên tục biến động rất mạnh trong phiên với biên độ tới hơn 4 USD/thùng, nhưng giá dầu thô vẫn hồi phục ngoạn mục và đóng cửa hôm qua với những mức suy yếu không đáng kể. Dầu WTI vẫn duy trì ở vùng giá 90 USD/thùng và dầu Brent cao hơn 96 USD/thùng.

Giá ngô tăng 4 ngày liên tiếp, đậu tương ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 3 tuần

Trong ngày giao dịch đầu tuần, giá ngô đã suy yếu ngay khi mở cửa. Tuy nhiên, giá đã hồi phục trong phiên tối và đóng cửa với mức tăng gần 1%, qua đó đánh dấu ngày giá tăng thứ 4 liên tiếp. Triển vọng mùa vụ tại Mỹ và nhu cầu nhập khẩu từ châu Âu là những yếu tố giúp giải thích cho diễn biến của giá ngô trong phiên hôm qua.

Nhìn chung, thời tiết vẫn khá dễ chịu đối với cây trồng tại Vành đai ngô Midwest trong cuối tuần trước và ngày hôm qua. Nhiều khu vực phía tây vành đai tiếp tục đón nhận các cơn mưa vào cuối tuần vừa rồi. Khí hậu mát mẻ tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển của ngô trồng muộn và điều này đã khiến giá tạo nhẹ khi mở cửa.

Trong khi đó, giá lúa mì đã có sự khởi sắc mạnh mẽ trong phiên đầu tuần. Bất chấp diễn biến khá ảm đạm trong phiên sáng, giá bật tăng trong phiên tối và đóng cửa với mức tăng hơn 17 cents. Số liệu tích cực về giao hàng lúa mì của Mỹ trong báo cáo Giao hàng xuất khẩu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành tối qua là yếu tố hỗ trợ đà tăng cho giá.

Theo Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, cuối tuần trước đã có thêm 6 tàu vận tải được phép rời cảng của Ukraine. Nguồn cung từ Ukraine được cải thiện đã khiến giá lúa mì giằng co trong phiên sáng. Tuy nhiên, số liệu trong báo cáo mới đây cho thấy, Mỹ đã giao 594.273 tấn lúa mì trong tuần 12/8-18/08, cao hơn so với mức 389.914 tấn của tuần trước. Khối lượng giao hàng của Mỹ được cải thiện đã giúp giá lúa mì bật tăng mạnh trở lại.


Cùng với đó, giá đậu tương hợp đồng kỳ hạn tháng 11 cũng đóng cửa trong sắc xanh và ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong gần 3 tuần vừa qua. Những lo ngại về nguồn cung nông sản toàn cầu đã hỗ trợ cho giá duy trì đà tăng từ cuối tuần trước trong khi mùa vụ của Mỹ đang khá ổn định.

Dịch vụ kiểm định chất lượng cây trồng của Liên minh châu Âu MARS vừa hạ dự báo năng suất của các cây trồng vụ hè thêm một lần nữa do điều kiện thời tiết khô và nóng trong thời gian gần đây. Đối với hạt có dầu, MARS đã cắt giảm dự báo năng suất hạt hướng dương của EU xuống còn 2,06 tấn/héc-ta từ mức 2,18 tấn/ha trước đó, trong khi năng suất đậu tương dự kiến là 2,46 tấn/ha, giảm so với mức dự báo 2,72 tấn/ha trong báo cáo tháng 7. Đây không chỉ là yếu tố hỗ trợ cho giá đậu tương mà còn là thúc đẩy giá 2 mặt hàng thành phẩm là khô và dầu đậu.

Ngoài ra, theo tiến sĩ Cordonnier, việc khởi công xây dựng tuyến đường sắt mới nhất ở bang Mato Grosso, bang sản xuất ngũ cốc lớn nhất của Brazil, có thể bị trì hoãn do tranh chấp với một nhóm người bản địa. Việc xây dựng đã được lên kế hoạch bắt đầu từ trước cuối năm 2022, nhưng bây giờ kế hoạch đang trở nên không chắc chắn. Tuyến đường sắt mới nhất này dự kiến sẽ kết nối với một tuyến đường sắt hiện có ở đông nam Mato Grosso và cuối cùng là cảng Santos ở đông nam Brazil.

Vai trò trú ẩn nhóm kim loại quý suy yếu trước đà tăng của đồng Dollar Mỹ

Kết thúc ngày 23/8, lực bán có xu hướng chiếm ưu thế trên bảng giá kim loại, trong đó nhóm kim loại quý dẫn dắt đà giảm mạnh trên thị trường. Bạc ghi nhận phiên giảm thứ 6 liên tiếp sau khi đánh mất hơn 1% giá trị, xuống còn 18,87 USD/ounce. Bạch kim dẫn đầu đà suy yếu trên thị trường kim loại sau khi giảm 2,25% xuống 868 USD/ounce.

Các nhà đầu tư vẫn đang tập trung phân tích về những hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về mức tăng lãi suất cho kỳ họp sắp tới. Theo hãng tin Reuters, các quỹ tương lai của FED hiện đang định giá khoảng 54,5% khả năng mức tăng 75 điểm cơ bản sẽ được bổ sung vào tháng 9, thay vì đa số ủng hộ khả năng tăng 50 điểm cơ bản như thị trường dự kiến ​​vào cuối tuần trước đó. Kể từ sau những bình luận cho thấy khả năng tiếp tục thắt chặt mạnh mẽ của các quan chức FED vào cuối tuần trước, đồng Dollar Mỹ đã liên tục tăng vọt. Sự không chắc chắn về động thái của FED trong tương lai đã thúc đẩy nhu cầu nắm giữ tiền mặt có tính thanh khoản cao trong phiên hôm qua, khiến chỉ số Dollar Index ghi nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp và gây áp lực lên giá bạc và bạch kim trong phiên. Trong 1 tuần trở lại đây, bạc và bạch kim theo rất sát diễn biến giá vàng, thể hiện sự ảnh hưởng của yếu tố vĩ mô lấn át.


Trên thị trường kim loại cơ bản, diễn biến giá có phần trái chiều. Đồng COMEX đón nhận lực bán mạnh vào nửa đầu phiên, sau đó, đà suy yếu dần thu hẹp lại và kết phiên với mức giảm 0,35% xuống 3,65 USD/pound. Bên cạnh tác động vĩ mô của đồng Dollar Mỹ mạnh hơn đã gây ra sức ép với giá đồng, triển vọng không chắc chắn đối với tiêu thụ trong tương lai cũng đã thúc đẩy tâm lý bán tháo trên thị trường. Vào ngày hôm qua, các ngân hàng Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) 1 năm 5 điểm cơ bản xuống 3,65%. Điều đó cho thấy nền kinh tế quốc gia này đang khá tiêu cực và không hỗ trợ nhiều cho giá đồng trong phiên. Tuy nhiên, lực mua quay trở lại vào cuối phiên, được hỗ trợ bởi những lo ngại về nguồn cung khi nhiều nhà sản xuất đồng đang gặp cản trở bởi tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc.

Ngược lại, quặng sắt ghi nhận phiên phục hồi đầu tuần trước thông tin Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch cho vay đặc biệt 200 tỷ Nhân dân tệ để đảm bảo các dự án nhà ở bị đình trệ được giao cho người mua. Điều đó hỗ trợ tích cực cho triển vọng vực dậy lĩnh vực bất động sản vốn tiêu tốn phần lớn nhu cầu về sắt thép và hỗ trợ cho giá quặng sắt trong phiên.

Khó khăn nối dài cho các doanh nghiệp thép nội địa

Kể từ đầu tháng 8 cho đến nay, cùng với xu hướng suy yếu của giá sắt thép trên thế giới, giá thép nội địa tiếp tục được điều chỉnh giảm lần thứ 4 trong tháng này vào ngày 22/8. Cụ thể, giá thép Hòa Phát đối với thép cuộn CB240 và thép cây D10 CB300 đều giảm 200.000 đồng/tấn và hiện đang ở mức giá lần lượt là 14,37 triệu đồng/tấn và 15,13 triệu đồng/tấn. Việc giá thép nội địa liên tục được điều chỉnh giảm đang đặt ra những thách thức lớn cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.

Trong nửa đầu tháng 8 năm nay, Việt Nam tiếp tục nhập siêu khoảng 138.000 tấn sắt thép các loại. Trong đó, cả nhập khẩu và xuất khẩu sắt thép đều giảm nhẹ so với cùng kỳ tháng 7. Nhu cầu sắt thép trong nước vào quý III đang ở mức thấp do lượng tồn kho của các nhà máy thép đang khá cao, và hoạt động sản xuất tương đối thận trọng trong bối cảnh giá thành phẩm suy yếu. Bên cạnh đó, do hiện tại vẫn chưa phải mùa cao điểm của ngành xây dựng trong nước, nhập khẩu thép trong nửa đầu tháng 8 vẫn duy trì ở mức khá khiêm tốn.

Trong khi đó, lo ngại về tăng trưởng chậm lại tại các đối tác nhập khẩu thép hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, hay Anh có thể khiến xuất khẩu thép của các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều trở ngại do nhu cầu suy giảm. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất cần tập trung đẩy mạnh cải thiện về chất lượng sản phẩm, thông qua việc đầu tư dây chuyền công nghệ nhằm tăng tính cạnh tranh cho ngành thép nội địa trong thương mại toàn cầu.

 Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)


Chia sẻ:   
Loading...