Theo ngành chuyên môn, 82,86% doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực chế biến - chế tạo dự báo sẽ hoạt động ổn định và tốt hơn trong quý II/2022, tạo đà tăng trưởng đáng kể trong những tháng tới.
Quý I/2022, sản lượng thép giảm khoảng 3,74% so với cùng kỳ 2021.
Lĩnh vực chế biến - chế tạo là ngành then chốt, chiếm gần 60% cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh do đó, có sức ảnh hưởng chủ yếu đến sự tăng trưởng ngành công nghiệp nói chung.
Trong quý I, hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp có tỷ trọng giá trị cao trong lĩnh vực chế biến - chế tạo tiếp tục gặp khó khăn do chịu tác động của dịch bệnh COVID-19. Theo các chủ doanh nghiệp, giá nguyên, vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao, só lượng lớn lao động phải tạm nghỉ do nhiễm COVID-19 trong khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm đã kìm hãm sự tăng trưởng của doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Túc – Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh (TX Kỳ Anh) cho biết: "Quý I/2022, sản lượng của đơn vị giảm khoảng 15 – 17% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân là do trong quý, công ty phải dừng sản xuất gần 1 tháng (gồm kỳ nghỉ tết và 2 đợt nghỉ do dịch COVID-19). Hơn nữa, sau tết, lao động không ổn định nên tiến độ nhiều đơn hàng bị chậm. Hiện nay, công ty đang tuyển thêm 70 – 80 lao động để đáp ứng nhu cầu đơn hàng”.
Sản lượng của Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh quý I/2022 giảm khoảng 15 - 17% so với cùng kỳ.
Theo thông tin từ Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước thực hiện quý I/2022 giảm 8,74% so cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 1,95%. Sản lượng thép - sản phẩm chủ lực của ngành giảm khoảng 3,74% so với cùng kỳ 2021.
Theo phân tích của Cục Thống kê Hà Tĩnh, những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như biến động giá cả thị trường. Theo đó, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến - chế tạo dự ước quý I/2022 giảm 3,82% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân là do mức tiêu thụ của một số sản phẩm giảm mạnh so với cùng kỳ, đặc biệt là 5 nhóm ngành: sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 77,17%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 69,91%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 64,49%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 39,96%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 37,93%…
Dự kiến quý II, doanh thu Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh sẽ tăng trưởng hơn.
Tổng hợp kết quả điều tra của Cục Thống kê tỉnh về các yếu tố như xu hướng sản xuất, kinh doanh, biến động số lượng đơn đặt hàng, tồn kho thành phẩm, nguyên vật liệu, các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp... cho thấy, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II khả quan hơn so với quý I/2022.
Ông Hồ Văn Cát - Phó Giám đốc Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) cho biết: "Hiện nay, công ty đã ký đơn hàng với đối tác Nhật Bản và Mỹ đến tháng 6/2022. Ngày 6/4 tới đây, chúng tôi sẽ xuất lô hàng đi Nhật Bản với số lượng 8.000 sản phẩm. Trong quý I, doanh thu công ty đạt khoảng 7 tỷ đồng, có phần thấp hơn so với những quý khác do thời điểm đầu năm thời gian nghỉ tết dài và nhiều lao động phải tạm nghỉ do nhiễm COVID-19. Dự kiến quý II, hoạt động sản xuất đi vào ổn định, doanh thu sẽ tăng trưởng khá hơn”.
Ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu dự báo sẽ hoạt động tốt hơn trong quý II.
Ông Trần Hoài Nam – Trưởng phòng Thống kê kinh tế (Cục Thống kê Hà Tĩnh) thông tin: Theo kết quả khảo sát, có 82,86% doanh nghiệp nhận định sản xuất, kinh doanh sẽ tốt hơn và giữ ổn định trong quý II. Trong đó, 54,29% số doanh nghiệp dự báo tốt lên và 28,57% số doanh nghiệp dự báo giữ ổn định. Một số ngành dự báo hoạt động tốt hơn và giữ ổn định như: sản xuất đồ uống; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu…
Theo Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng: Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục theo dõi, nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và các cơ sơ, địa phương trong hoạt động quản lý Nhà nước về cụm công nghiệp; tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án triển khai trên địa bàn, phát huy công suất các nhà máy sản xuất thép, bia, sợi, dệt may; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng dự thảo chính sách phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo…
Theo Baohatinh.vn
Chào mừng các bạn đến với Sàn GDTMĐT Hà Tĩnh
Hãy đăng kí địa chỉ email để nhận được những tin tức khuyến mại sớm nhất!