Hiện nay, lúa xuân ở Hà Tĩnh đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, cây lạc trà sớm giai đoạn phân cành, sinh trưởng phát triển bình thường.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, trên cây lúa, bệnh đạo ôn phát sinh gây hại tỷ lệ bệnh trung bình 3 - 5%, nơi cao 7 - 10%, diện tích nhiễm 3ha, gây hại chủ yếu trên giống Thái Xuyên 111, P6, XT28, Xi23, VNR20 phân bố tại: Thạch Hà, Đức Thọ, Nghi Xuân, Lộc Hà...
Bệnh đạo ôn đã phát sinh gây hại trên cây lúa tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh.
Trên cây lạc, bệnh héo rũ gốc mốc đen, mốc trắng phát sinh gây hại, tỷ lệ bệnh trung bình 1 - 2%, nơi cao 3 - 5%, diện tích nhiễm 7ha tại Thạch Hà, Lộc Hà, Vũ Quang...
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, thời tiết từ nay đến cuối tháng 3 duy trì hình thái âm u, ẩm độ cao, nhiệt độ trung bình 18 - 25 độ C, bên cạnh đó, giai đoạn này, cây lúa phát triển mạnh về thân lá tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh, nguy cơ lây lan trên diện rộng và gây cháy cục bộ một số diện tích, nhất là trên các giống nhiễm P6, ADI 168, Thái Xuyên 111, XT28, Xi23, VNR20, BQ, Thiên ưu 8…; bệnh héo rũ gốc mộc đen, mốc trắng tiếp tục phát sinh gây hại, đặc biệt trên các vùng ẩm độ đất cao, thoát nước kém.
Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, bảo vệ an toàn sản xuất, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo phòng NN&PTNT/phòng kinh tế, Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng - vật nuôi, UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện các nội dung sau:
Về sản xuất
- Cây lúa:
+ Điều tiết chế độ nước thích hợp tạo điều kiện thuận lợi cho lúa sinh trưởng phát triển và tăng khả năng kháng sâu bệnh.
+ Tiến hành dặm tỉa để đảm bảo mật độ hợp lý, đặc biệt các diện tích gieo thẳng tại Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà, Can Lộc,…
+ Trên diện tích chưa bón thúc đẻ nhánh, tiến hành bón sớm tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh tập trung, hạn chế đẻ nhánh vô hiệu.
- Cây lạc: Tranh thủ thời tiết thuân lợi, đẩy nhanh tiến độ gieo trĩa, phấn đấu hoàn thành kế hoạch trước 15/3 và hạn chế tối đa việc bỏ hoang đất sản xuất.
- Cây ăn quả: Theo dõi quá trình ra hoa của bưởi Phúc Trạch để tiến hành thụ phấn bổ sung; thực hiện các biện pháp chăm sóc thời kỳ ra hoa đậu quả trên cam bưởi đúng quy trình kỹ thuật.
Công tác bảo vệ thực vật
- Phân công cán bộ bám sát cơ sở, thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính dự báo, chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ các đối tượng dịch hại cây trồng, trước mắt tập trung các giải pháp sau:
+ Đối với bệnh đạo ôn hại lúa: Kiểm tra, khoanh vùng diện tích lúa bị nhiễm bệnh, tiến hành phun trừ kịp thời, đồng thời rà soát diện tích gieo cấy các giống nhiễm đạo ôn như: P6, ADI168, Thái Xuyên 111, XT28, Xi23, VNR20, Thiên ưu 8, BQ,... các vùng bệnh thường phát sinh gây hại để chủ động cảnh báo diễn biến bệnh. Khi phát hiện bệnh tiến hành phòng trừ kịp thời, khuyến cáo sử dụng một trong các loại thuốc hóa học: Beam 75WP, Stamonas 45WP, Fukasu 42WP, Kasoto 200SC, Fuji-One 40WP, Filia525SE, Flash 75WP, Kabim 30WP, Grandgold 510WP, NewTec 300SC, Tricom 75WP…
Lưu ý: Đối với những diện tích đã xuất hiện bệnh và có nguy cơ nhiễm bệnh ngừng bón đạm, không phun các loại phân bón qua lá có chứa đạm. Phun thuốc khi trời tạnh ráo, phun ướt đều bộ lá, sau khi phun thuốc 5 - 7 ngày, kiểm tra nếu thấy vết bệnh cấp tính xuất hiện thì tiến hành xử lý thuốc lần 2.
+ Đối với bệnh héo rũ gốc mộc đen, mốc trắng hại lạc: Tổ chức phun phòng trừ khi bệnh chớm xuất hiện, sử dụng một trong những loại thuốc sau: Amistar Top®325SC, Ridomil Gold®68WG, Mataxyl 500WP, Moren 25WP, Diboxylin 2 SL,…
-Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Theo BHT
Chào mừng các bạn đến với Sàn GDTMĐT Hà Tĩnh
Hãy đăng kí địa chỉ email để nhận được những tin tức khuyến mại sớm nhất!