Truyền thông

"Thế chân vạc" trong kịch bản tăng trưởng của Hà Tĩnh

Với mục tiêu đến năm 2030, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người của Hà Tĩnh đạt 12.306 USD, đơn vị tư vấn “Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Hà Tĩnh” đã đưa ra kịch bản tăng trưởng và 3 trụ cột - "thế chân vạc". Kết quả chiến lược mới sẽ đưa Hà Tĩnh vào top 15 tỉnh có nền kinh tế phát triển...

Thành phố Hà Tĩnh - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh

Dự án “Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020; lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Công ty TNHH The Boston Consulting Group (BCG – Mỹ) làm tư vấn. Theo đó, BCG đã đề xuất kịch bản "tăng trưởng trung bình" là phương án phát triển kinh tế của Hà Tĩnh thời gian tới với 3 trụ cột gồm: Động lực phát triển kinh tế trong tương lai; Hiện thực hóa những tiềm năng; Bước tiếp theo trong phát triển xã hội.

Phát triển công nghiệp nhưng “nói không” với khai thác sắt Thạch Khê

Theo kịch bản tăng trưởng trung bình, thời kỳ 2018 - 2020 đạt tăng trưởng 14,5% và thời kỳ 2021 - 2025 đạt 13,3%, 2026 - 2030 là 9,3%. Với mức tăng trưởng này, đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người của Hà Tĩnh đạt 6.651 USD và đến 2030, đạt 12.306 USD.

BCG đề xuất Hà Tĩnh duy trì công suất sản xuất thép 7 triệu tấn/năm của Formosa

“Để đạt mức tăng trưởng này, trên lĩnh vực công nghiệp, chúng tôi đề xuất với Hà Tĩnh duy trì công suất sản xuất thép 7 triệu tấn/năm của Formosa. Tiếp tục thực hiện các nhà máy nhiệt điện, trong đó chuyển đổi nhà máy nhiệt điện 3 (từ than sang khí). Tập trung kêu gọi đầu tư vào các ngành hậu thép và phát triển dịch vụ logitic” - Tổng Giám đốc điều hành BCG Việt Nam Christopher Malone nói.

Đơn vị tư vấn cho rằng, phát triển công nghiệp là động lực phát triển kinh tế của Hà Tĩnh. Trong đó, phát huy dự án Formosa và thu hút các nhà đầu tư vào KKT Vũng Áng sẽ rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất mạnh mẽ.

Muốn vậy, Hà Tĩnh cần tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các bộ phận chức năng chính của KKT, gồm: khu phi thuế quan, khu công nghiệp, cảng biển, khu du lịch – thương mại. Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy đầu tư vào sản xuất các sản phẩm hậu thép.

“Để phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, đảm bảo sức chịu tải môi trường, chúng tôi đề xuất không khai thác mỏ sắt Thạch Khê và lọc hóa dầu” – ông Christopher Malone nhấn mạnh.

Chú trọng khai thác du lịch di sản và nông nghiệp

Ngoài trụ cột phát triển công nghiệp, đơn vị tư vấn đưa ra trụ cột thứ 2 đó là: Hiện thực hóa những tiềm năng về du lịch di sản và nông nghiệp.

Hà Tĩnh là vùng đất văn hóa có nhiều danh nhân, di tích lịch sử, văn hóa… Đây là yếu tố cần được tận dụng và phát huy bằng việc xây dựng thành phố văn học xung quanh khu lưu niệm Nguyễn Du; từng bước xây dựng cụm di tích tại các địa phương.

Theo BCG, để phát triển thu hút du lịch hơn nữa, Hà Tĩnh cần xây dựng thành phố văn học xung quanh khu lưu niệm Nguyễn Du

Theo tính toán của BCG, nếu Hà Tĩnh xác định đúng tầm quan trọng và đầu tư tốt cho ngành du lịch, đến năm 2030, sẽ có 12 triệu lượt khách du lịch và mang lại giá trị kinh tế 1,5 tỷ USD cho GDP địa phương.

Cùng với phát triển du lịch di sản, Hà Tĩnh cũng có khá nhiều “dư địa” trong phát triển nông nghiệp. Trước mắt là cải tiến, đầu tư áp dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Lĩnh vực này dự kiến đóng góp 1,1 tỷ USD vào năm 2030.

Sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái là một trong những định hướng phát triển bền vững của Hà Tĩnh

Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện sức khỏe người dân

Hà Tĩnh là vùng đất có truyền thống học hành, khoa bảng. Vì vậy, việc liên kết với các trường quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp cho các doanh nghiệp, được coi là “ngành kinh tế tri thức” cần được nhắm đến.

Trường Tiểu học, THCS và THPT Albert Einstein - là trường tư thục 3 cấp học đầu tiên tại Hà Tĩnh

Thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh đã và đang thực hiện tốt chủ trương tạo môi trường mới để hình thành và phát triển các mô hình trường học theo hướng chuẩn quốc tế, “mở cửa” cho các nhà đầu tư bằng công tác quy hoạch và các chính sách hỗ trợ. Nhiều nhà đầu tư mới cũng đang xúc tiến các dự án xã hội hóa giáo dục trên địa bàn TP Hà Tĩnh để góp phần xây dựng nên thành phố giáo dục trong tương lai không xa.

Trên lĩnh vực y tế, theo BCG, bên cạnh chú trọng về chất lượng đào tạo, Hà Tĩnh cần tập trung cải thiện sức khỏe người dân để có lực lượng lao động hiệu quả hơn. Cụ thể, cần nâng cao năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tuyến xã, huyện.

Nhân lực chất lượng cao là yếu tố sống còn của cơ sở y tế

Đối với tuyến tỉnh, cần hình thành bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện lớn, bệnh viên chuyên khoa tuyến trên để điều trị, thu hút bệnh nhân trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt là giảm chi phí đi lại cho người dân khi phải lên tuyến trên điều trị.

Theo BCG, Hà Tĩnh cần tìm nguồn vốn để hỗ trợ cho tăng trưởng từ những doanh nghiệp, tập đoàn lớn là con em Hà Tĩnh trở về quê hương đầu tư; từ nhà đầu tư quốc tế và Formosa. BCG sẽ là “cầu nối” để tiếp cận, kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế đến với Hà Tĩnh, và đầu tư những ngành nghề phù hợp với điều kiện của Hà Tĩnh.

Thanh Hoài

Theo Baohatinh.vn


Chia sẻ:   
Loading...