Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán, các siêu thị, cửa hàng, chợ mở cửa đến ngày 30 tết. Sáng mùng 2 tết, nhiều tiểu thương đã bày bán hàng hóa, trong đó chủ yếu là thực phẩm tươi sống, hoa tươi, trái cây… và một số mặt hàng làm quà tặng, biếu đầu năm mới.
Trên thị trường, các loại bánh, mứt, kẹo,… có mẫu mã phong phú, đa dạng, giá cả nhiều mức khác nhau nên người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Hàng Việt Nam chiếm ưu thế với chất lượng tốt, giá cả hợp lý, được người dân tin dùng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm nội tỉnh như nước mắm, gạo, cam... được người tìm mua sử dụng và làm quà tết.
Tại các siêu thị, trung tâm thương mại thực hiện chương trình bình ổn, giá hàng hóa được giữ ổn định; nhiều mặt hàng giảm giá mạnh, thu hút người tiêu dùng mua sắm. Các chợ diễn ra hoạt động mua bán nhộn nhịp, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, hoa tươi, cau trầu…
Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa cho biết: “Tổng giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ dịp tết năm nay đạt hơn 1.700 tỷ đồng. Nhờ sự chủ động chuẩn bị nguồn hàng của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhìn chung, thị trường các mặt hàng phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán tại các huyện, thành phố, thị xã khá sôi động, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng mặt hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân”.
Sức mua trên thị trường dịp tết tăng khoảng 10 – 15% so với ngày thường, chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Hà Tĩnh, hoạt động kinh doanh trong tháng 1 năm 2020 trùng với dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa dự tính đạt hơn 4.231 tỷ đồng, tăng 9,53% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm ngành hàng lương thực, thực phẩm ước tăng 28,66% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Quảng – tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh cho biết năm nay, chỉ có thịt lợn giá cao do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, còn các mặt hàng khác giá tương đối ổn định.
Sau tết, thực phẩm là mặt hàng có lượng người mua lớn nhất nên đa số các quầy thực phẩm tươi sống, rau củ quả mở hàng sớm. Còn các hàng khác, do mới tết ra, nhu cầu mua sắm của người dân chưa nhiều, sức mua còn chậm nên tiểu thương cũng nghỉ tết dài ngày hơn.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Công thương, về cơ bản, thị trường tết năm nay không có biến động lớn. Một số mặt hàng thiết yếu, có sức mua cao trong dịp tết có biến động về giá nhưng không đáng kể. Cụ thể, các mặt hàng thực phẩm như thịt bò, lợn, gà, thủy hải sản, giò lụa, giò bò, rau, củ, quả giá tăng khoảng 10 - 15% so với ngày thường, tương đối ổn định so với tết 2019; chỉ có giá thịt lợn tăng 70.000 đồng/kg, giò lụa tăng 50.000 đồng/kg so với cùng kỳ.
Gạo nếp, gạo tẻ, thực phẩm công nghiệp, dầu ăn, bánh kẹo, mứt. rượu bia, nước giải khát... giá cả ổn định.
Mặt hàng hoa, cây cảnh như hoa ly, hoa hồng,… giá tương đương giá trước tết năm trước; riêng giá đào, mai, quất tăng 300.000 đồng - 500.000 đồng/cây.
Cùng với công tác chuẩn bị nguồn hàng để tránh tình trạng khan hàng, sốt giá, trong dịp tết, lực lượng chức năng cũng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát về chất lượng hàng hóa, niêm yết giá, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm... Nhờ đó, thị trường tết năm nay ổn định, người dân đón tết an toàn, lành mạnh, vui tươi.
Theo Ngọc Loan/Báo hà tĩnh