Truyền thông

Thị trường thực phẩm ở Hà Tĩnh: Nguồn cung phong phú, giá ổn định, sức mua giảm!

Thời điểm này, tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Tĩnh, nguồn cung các mặt hàng thực phẩm khá phong phú, giá cả không có đột biến, song, sức mua lại giảm khá nhiều.

Tại chợ TP Hà Tĩnh, giá thực phẩm tươi sống cơ bản ổn định.

Ghi nhận tại chợ TP Hà Tĩnh, chợ Vườn Ươm (TP Hà Tĩnh) vào chiều ngày 25/7 và sáng 26/7, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như: thịt, cá, rau củ... được bày bán khá nhiều. Giá thực phẩm tương đối ổn định.

Cụ thể, thịt bò 220 – 250.000 đồng/kg, thịt lợn 120 – 130.000 đồng/kg; thịt gà làm sẵn 100 – 120.000 đồng/kg; cá thu, cá bớp 200 – 250.000 đồng/kg; cá chim 120.000 đồng/kg; cá mu, cá nục, cá ngừ 40 – 60.000 đồng/kg; tôm các loại 130 – 250.000 đồng/kg; ngao, hến vỏ 20.000 đồng/kg…

Các mặt hàng rau củ thời điểm này có giá khá rẻ: mướp hương 8.000 đồng/kg; rau muống, mồng tơi, rau khoai lang, rau dền 5.000 đồng/bó; bí xanh, cà chua, bầu 10 – 15.000 đồng/kg…


Thời điểm này, giá rau củ tại chợ truyền thống khá rẻ.

Theo các tiểu thương, bên cạnh nguồn rau nhập về từ các địa phương khác thì thời gian này, nhiều loại rau củ do người dân trên địa bàn tỉnh sản xuất đang vào mùa thu hoạch nên nguồn cung cho thị trường dồi dào, giá khá rẻ.

Bà Võ Thị Hương – tiểu thương bán rau tại chợ Vườn Ươm cho biết: “Đợt này, người dân các vùng ven thành phố trồng được rau nhiều nên giá rẻ, nhất là các loại như: bí, mướp, mồng tơi. Không chỉ có tiểu thương bán lâu năm mà nhiều người dân cũng mang ra bán nên lượng rau được bày bán ở chợ nhiều. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 lại nay, chợ vắng khách mua nên lượng hàng chúng tôi bán bị sụt giảm. Do rau củ phải bán trong ngày nên tôi chỉ dám lấy một nửa số lượng hàng so với trước”.


Chợ vắng khách nên các tiểu thương giảm lượng hàng nhập về để không bị ứ hàng.

Nhiều tiểu thương khác tại chợ dân sinh ở TP Hà Tĩnh cũng cho biết, lượng hàng bán ra hiện chưa bằng ½ so với trước do quán ăn uống ngừng hoạt động hoặc bán ít, người dân ngại dịch bệnh nên hạn chế đi chợ. Bởi vậy, các quầy thực phẩm tươi sống như: thịt lợn, gà, vịt, cá… người bán đều giảm lượng hàng nhập về.

Chị Trần Thị Phượng – tiểu thương bán cá ở chợ TP Hà Tĩnh cho hay: “Việc buôn bán khó khăn nên mỗi ngày tôi cũng chỉ nhập về vài con cá thu, cá bớp, một ít cá chim và cá nục vì sợ bán không hết hàng”.

Là người tiêu dùng sinh sống tại TP Hà Tĩnh, chị Thu Giang (phường Văn Yên) chia sẻ: “Do đợt vừa rồi dịch bệnh, vì tránh đến chợ nên tôi chủ yếu mua thực phẩm online và tại một số cửa hàng. Hiện nay, đội ngũ bán online mặt hàng thực phẩm khá nhiều nên người đến chợ giảm cũng là điều dễ hiểu. Từ rau, cá, tôm, thịt… đều được bán trên mạng xã hội nên người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn”.


Tại chợ Nghèn, các mặt hàng thực phẩm được bán khá nhiều.

Tại chợ truyền thống ở các huyện, thị, nguồn cung, giá cả các mặt hàng thực phẩm cũng không có biến động. Nhìn chung, sức mua ở chợ tuy có tăng hơn so với đợt tháng 6, đầu tháng 7 nhưng so với trước đây thì vẫn giảm nhiều.

Bà Nguyễn Thị Phong – tiểu thương bán thịt bò tại chợ Nghèn cho hay: Trước do dịch viêm da nổi cục trên trâu bò, người dân “né” thịt bò nên tôi phải nghỉ bán. Tôi vừa mới mở bán lại hơn 1 tuần nay nhưng mỗi ngày cũng chỉ bán 30 - 40kg thịt, bằng 40% trước đây. Giá thịt bò hiện từ 200 – 250.000 đồng/kg, không thay đổi so với trước khi xảy ra dịch”.

Theo các tiểu thương khác ở chợ Nghèn, giá rau củ tại chợ có phần rẻ hơn so với chợ ở TP Hà Tĩnh do phần lớn người dân vùng quê trồng rau vừa để ăn, vừa để bán.


Cùng với rau nhập về từ các tỉnh khác, hiện nay, nhiều loại rau củ người dân trên địa bàn tự trồng được nên nguồn cung cho thị trường dồi dào.

Theo thông tin từ Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Hà Tĩnh), nhìn chung, các loại thực phẩm tươi sống tại chợ dân sinh ở TP Hà Tĩnh và các huyện, thị đang có giá bán cơ bản ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng tiêu dùng cho người dân. Sở Công thương vẫn đang tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình thị trường, hoạt động mua bán để đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường hàng hóa.

Theo Báo Hà Tĩnh

Chia sẻ:   
Loading...