Truyền thông

Thu nhập cao từ các mô hình Bưởi Phúc Trạch

Hương Khê đang trong thời điểm thu hoạch bưởi Phúc Trạch. Năm nay, thời tiết nắng nóng, sản lượng bưởi không cao, nhưng bù lại cho quả ngọt, nên sản phẩm được giá. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng thị trường, nên việc tiêu thụ cơ bản thuận lợi. Đây có thể xem là một năm được mùa, được giá, cho người dân Hương Khê bội thu mùa quả ngọt.


Nhiều năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ; nhiều hộ dân đã mạnh dạn tập trung mở rộng diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt chú trọng sản xuất, chăm sóc bằng phân bón hữu cơ, áp dụng quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đảm bảo. Nhờ đó chất lượng và số lượng bưởi Phúc Trạch ngày càng tăng, đưa lại giá trị kinh tế cao.


Năm nay, Trang trại bưởi Phúc Trạch 2.400 gốc của HTX trồng bưởi Anh Quân, xã Phúc Trạch dự kiến cho thu hoạch khoảng 16 vạn quả, tương đương gần 200 tấn, tổng trị giá thu nhập hơn 3 tỷ đồng. Đây là cơ sở đầu tiên ở tỉnh Hà Tĩnh được cấp chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP trong sản xuất nông nghiệp đối với sản phẩm bưởi Phúc Trạch. Ông Trần Đình Nhị, Giám đốc HTX trồng bưởi Anh Quân, xã Phúc Trạch chia sẽ kinh nghiệm “Mô hình trồng bưởi của HTX Anh Quân thực hiện nghiêm ngặt quy trình từ chọn giống F1, chăm sóc bón phân, tưới tiêu, sử dụng thuốc phòng trừ dịch bệnh theo danh mục, tiêu chuẩn quy định. Đặc biệt, bón phân chuồng đảm bảo đầy đủ để vừa cho quả sai, ngọt và giữ cho cây luôn khỏe, lá xanh mướt, không bị còi cọc”.

 

Còn đây là mô hình trồng bưởi với quy mô hơn 1.000 m2 của gia đình anh Võ Xuân Thắng, thôn Yên Bình, xã Lộc Yên. Vườn bưởi của gia đình anh Thắng có 40 gốc, trên 8 năm tuổi, đã cho thu hoạch 4 mùa vụ, bình quân mỗi năm thu nhập trên 45 triệu đồng. Anh Thắng cho biết “Xác định trồng bưởi là phải đầu tư chăm sóc mới có hiệu quả. Nếu hai sào đất này mà trồng cây ngắn ngày chỉ đạt khoảng 5 đến 6 triệu đồng, chỉ bằng 1/8 so với giá trị của cây bưởi”.

Được biết năm 2023, thời tiết nắng hạn, quả bưởi Phúc Trạch không lớn như những năm trước, nhưng bù lại cho độ ngọt cao hơn. Đây chính là yếu tố khẳng định chất lượng và giá trị quả bưởi, đồng thời là điều kiện thuận lợi để bà con tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù vậy, phần lớn người dân không bán ồ ạt như các năm trước mà đợi thời điểm chính vụ mới thu hoạch, theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và ngành chuyên môn, nhằm giữ vững thương hiệu của loại quả được EU cam kết bảo hộ.

Toàn huyện Hương Khê hiện có 2.768 ha bưởi Phúc Trạch, trong đó diện tích bưởi đã cho quả là 1.912 ha. Tổng sản lượng bưởi năm nay ước đạt trên 21.000 tấn, tương đương giá trị 500 tỷ đồng. So với năm ngoái sản lượng bưởi năm nay giảm 2.000 tấn.


Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn duy trì, ổn định về sản lượng và chất lượng bưởi ngày càng được nâng lên nhờ được đầu tư chăm sóc đầy đủ. Anh Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Yên khẳng định: “Bưởi Phúc Trạch vẫn là cây trồng chủ lực của địa phương, năm nay toàn xã có 135 ha bưởi cho thu hoạch, sản lượng 1.700 tấn, thu nhập khoảng 35 tỷ đồng”.


Để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập và bảo vệ giá trị thương hiệu của bưởi Phúc Trạch, huyện Hương Khê đã thành lập Tổ công tác quảng bá, kết nối tiêu thụ bưởi. Tổ công tác đã tham mưu với UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động truyền thông, xúc tiến tiêu thụ. Mục tiêu đặt ra là duy trì thị trường tiêu thụ sản phẩm truyền thống tại các địa phương trong tỉnh; tăng cường mở rộng thị trường tiêu thụ tài các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh..., và hướng tới xuất khẩu.

Theo đó, hàng loạt hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm đã được áp dụng để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm như: Đưa bưởi lên sàn giao dịch điện tử, liên kết tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, cửa hàng…

 Đặc biệt, mới đây, UBND huyện Hương Khê đã phối hợp cùng Công ty Rubicontours (Hà Nội) đưa bưởi Phúc Trạch sang Malaysia để giới thiệu tại Hội chợ thương mại du lịch, được tổ chức từ ngày 1-3/9/2023 tại Trung tâm Thương mại và Triển lãm quốc tế (MITEC), Thủ đô Kuala Lumpur.

Tại đây, hàng trăm công ty lữ hành trong khu vực và nhiều quốc gia trên thế giới đã biết đến thương hiệu Bưởi Phúc Trạch, tạo tiền đề để xuất khẩu loại quả đặc sản này trong tương lai.

Ông Đặng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết “Huyện tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, quản lý để chống ép giá gây thiệt hại cho người sản xuất, nhất là các hộ quy mô sản xuất nhỏ lẻ; quan tâm chỉ đạo công tác chuyển đổi số, minh bạch thông tin về sản phẩm, phục vụ tốt công tác truy xuất nguồn gốc. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về cấp, sử dụng tem chỉ dẫn địa lý. Tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng tem nhãn đúng theo quy định; tuyệt đối không để trà trộn sản phẩm làm ảnh hưởng đến thương hiệu bưởi Phúc Trạch của địa phương”.

Với những giải pháp đồng bộ, tích cực của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nỗ lực của nguời dân trong việc phát triển quy mô, mở rộng diện tích và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật đã nâng giá trị quả bưởi Phúc Trạch ngày càng cao; góp phần bảo vệ thương hiệu bưởi Phúc Trạch của huyện Hương Khê, 1 trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam đã được người tiêu dùng lựa chọn, tin dùng. Không chỉ là sản vật mang lại giá trị thương mại, làm giàu cho người dân mà bưởi Phúc Trạch còn là một chỉ dẫn văn hoá, đưa hương vị thơm ngon, ngọt lành của miền sơn cước đi khắp mọi miền đất nước và vươn ra nhiều quốc gia trên thế giới.

 BBT 


Chia sẻ:   
Loading...