Truyền thông

Thường vụ Quốc hội quyết định nới "trần" giờ làm thêm lên 60 giờ mỗi tháng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Nghị quyết nêu rõ nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Chiều 23.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến là về thời giờ làm thêm trong 1 tháng. Trong báo cáo giải trình tiêp thu, bà nêu rõ có 2 loại ý kiến về nội dung này.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc nâng trần thời gian làm thêm giờ lên mức không quá 72 giờ là quá cao mà chưa cơ quan soạn thảo chưa đưa ra căn cứ thuyết phục, đề nghị chỉ nên nâng trần không quá 40 giờ lên không quá không quá 60 giờ.

Đây cũng là ý kiến được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn để thực hiện mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tái tạo sức lao động, an toàn lao động của người lao động.

Loại ý kiến thứ hai đồng tình nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, đây là mức hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

“Do còn hai loại ý kiến khác nhau, theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đã xin ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hai phương án này. Kết quả: 13/18 đồng chí tán thành phương án 1; 5/18 đồng chí tán thành phương án 2” – bà Nguyễn Thuý Anh cho biết và dự thảo điều chỉnh theo ý kiến đa số.

Báo cáo thêm tại phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung một lần nữa nhấn mạnh rằng việc đề xuất nâng giờ làm thêm căn cứ nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp. Hơn nữa, thực tế do sức ép đơn hàng nên doanh nghiệp vẫn thoả thuận trực tiếp với người lao động để tiến hành làm thêm, dẫn đến quyền lợi của người lao động không được bảo đảm.

Ông Đào Ngọc Dung bày tỏ đồng tình với ý kiến của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Xã hội về hầu hết các nội dung. Tuy nhiên, về thời giờ làm thêm, ông đề nghị cho giữ phương án nâng “trần” 72 giờ vì xuất phát từ thực tế khách quan, nếu chỉ nâng lên không quá 60 giờ thì “người lao động và doanh nghiệp mặt này mặt kia đồng tình nhưng đón nhận không có tâm tư hào hứng”.

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trong suốt quá trình chuẩn bị, thảo luận về nội dung này, cá nhân ông chưa nhận được đề xuất, lý luận thuyết phục nào của hiệp hội, doanh nghiệp về việc tăng thời giờ làm thêm lên không quá 72 giờ.

“Các đồng chí nói đã khảo sát, vậy thì bao nhiêu doanh nghiệp có đơn hàng làm không kịp, tổng số lượng đơn hàng thu hút được ra sao? Sức khoẻ hậu COVID-19 là vấn đề lớn đặt ra. Nhiều trường hợp không đơn giản để duy trì trạng thái tâm lý, sức khoẻ bình thường sau khi mắc bệnh. Giữa lợi trước mắt và lợi lâu dài thì người lao động chọn cái nào?” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội lưu ý vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Quốc hội uỷ quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong trường hợp cấp bách theo Nghị quyết 30 nên phải hết sức cân nhắc khi xem xét, đánh giá đầy đủ, thuyết phục trước khi quyết sách.

Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm.

Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, Nghị quyết nêu rõ nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Sau khi thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với 100% thành viên tán thành.

Theo Báo Lao động

Chia sẻ:   
Loading...