Sự cẩn trọng trong từng công đoạn sản xuất đã giúp cơ sở dầu lạc Mai Lợi (Đức Thọ, Hà Tĩnh) giữ được dưỡng chất tự nhiên, được người tiêu dùng đón nhận.
Với mong muốn nâng tầm, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm lạc của người dân địa phương, năm 2018, ông Trần Văn Lợi (SN 1967, trú thôn Đại Quang, xã Quang Vĩnh, Đức Thọ) đã quyết định đầu tư mở xưởng ép dầu lạc.
Sản phẩm dầu lạc Mai Lợi được sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sau khi hoàn thành nhà xưởng, ông Lợi đã mạnh dạn đầu tư gần 200 triệu đồng để mua sắm các dụng cụ, máy móc hiện đại như: máy lọc, máy xay, máy ép… Việc thu mua lạc của bà con trên địa bàn xã và các vùng lân cận để chế biến sản phẩm dầu lạc cũng được cơ sở sản xuất tiến hành.
Những mẻ dầu lạc đầu tiên đã "ra lò", nhưng chất lượng không đạt như mong đợi bởi, thành phẩm khi ép ra vẫn còn mùi hôi, sủi bọt và chỉ dùng được trong vài tuần đến 1 tháng. Trước tình hình đó, ông Lợi đã trăn trở, dành thời gian để tìm hiểu nguyên nhân để rồi xây dựng và hoàn thiện công thức ép dầu lạc đạt chất lượng tốt nhất.
Trung bình mỗi tháng, cơ sở của ông Lợi xuất xưởng hơn 1.000 lít dầu lạc.
Ông Lợi chia sẻ: “Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy nguyên nhân chính khiến dầu lạc có mùi hôi là do hạt lạc chưa được phơi khô và sàng lọc kỹ. Thế nên, những lần sản xuất tiếp theo, tôi đã rất cẩn trọng trong quá trình sàng lọc, tuyển chọn, loại bỏ các hạt lạc lép, hạt hỏng, hạt bị đổi màu. Sau đó, lạc được hấp đến độ chín nhất định để giữ lại được tinh dầu rồi tiến hành ép theo đúng quy trình”.
Sự chỉn chu trong từng công đoạn sản xuất đã giúp dầu lạc Mai Lợi giữ được hương thơm đặc trưng và các dưỡng chất tự nhiên tốt cho sức khỏe, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Người dân địa phương và khách hàng gần xa tin dùng sản phẩm dầu lạc Mai Lợi.
Sau thời gian sản xuất nhỏ lẻ, năm 2022 ông Lợi hướng tới mục tiêu phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ bằng việc tham gia chương trình OCOP. Từ chất lượng sản phẩm, quá trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, dầu lạc Mai Lợi đã được công nhận OCOP 3 sao vào tháng 5/2023.
Chia sẻ về bước tiến này, ông Lợi cho biết: “Tiêu chuẩn OCOP đã giúp sản phẩm chúng tôi có thêm cơ hội mở rộng thị trường. Hiện dầu lạc Mai Lợi đang được tiêu thụ nhiều tại địa bàn trong tỉnh và Đà Nẵng, Bình Dương… Người dân địa phương cũng thường mua dầu lạc để làm quà biếu người thân, bạn bè gần xa... cứ thế, sản phẩm ngày càng được nhiều khách hàng trên mọi miền biết đến, tin dùng”.
Ông Lợi và bà Mai mong muốn sản phẩm dầu lạc của cơ sở tiếp tục được mở rộng thị trường.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất dầu lạc Mai Lợi tiêu thụ khoảng 2,5- 3 tấn hạt lạc khô và xuất xưởng hơn 1.000 lít dầu lạc (1 tấn thu về khoảng 350 lít dầu, hơn 1 tấn khô lạc sau khi ép lấy dầu), mang về doanh thu khoảng 1,2 - 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 10-15%. Cơ sở cũng đã tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng.
"Thời gian tới, cơ sở sẽ tiếp tục tham gia các hội chợ, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu bằng nhiều hình thức để mở rộng thị trường. Chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cấp ngành… để sản phẩm ngày càng vươn xa trên thị trường tiêu thụ”, ông Lợi cho biết.
Với nguồn nguyên liệu đảm bảo, hệ thống máy móc hiện đại và quy trình sản xuất khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dầu ăn Mai Lợi đã thực sự là sản phẩm tiêu biểu của địa phương, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Sự phát triển của cơ sở sản xuất không chỉ mang đến nguồn thu nhập cho gia đình, tạo cơ hội việc làm cho người lao động mà còn tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân."
Ông Nguyễn Quang Việt - Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh (Đức Thọ).
Theo Baohatinh.vn
Link gốc:https://baohatinh.vn/tieu-chuan-ocop-3-sao-nang-tam-thuong-hieu-dau-lac-mai-loi-post268575.html
Chào mừng các bạn đến với Sàn GDTMĐT Hà Tĩnh
Hãy đăng kí địa chỉ email để nhận được những tin tức khuyến mại sớm nhất!