Truyền thông

Vì sao giá vàng trong nước ngày càng đắt so với thế giới

Giá vàng trong nước có lúc cao hơn thế giới 9 triệu đồng, chuyên gia cho rằng do thiếu nguồn cung nhưng Ngân hàng Nhà nước nói chỉ là cách doanh nghiệp phòng rủi ro.

Giá vàng trong nước lâu nay vẫn cao hơn so với thế giới nhưng mức chênh này thường không quá 10% nếu quy đổi theo tỷ giá ngân hàng. Như thời điểm cuối tháng 7/2020, khi giá thế giới biến động mạnh, mỗi lượng SJC cũng chỉ cao hơn giá quốc tế 1-2,5 triệu đồng một lượng. Đến tháng 8/2020, mức vênh giữa hai thị trường lên 4-4,5 triệu đồng một lượng.

Tuy nhiên, trong vòng một năm trở lại đây, giá vàng trong nước có một số thời điểm cao hơn 15-18% so với thế giới, là mức chưa từng có trong nhiều năm gần đây.

Theo đó, ngày 10/8, giá vàng thế giới rớt hơn 30 USD còn giá trong nước lại tăng nhẹ vài chục nghìn đồng một lượng khiến chênh lệch được nới lên mức kỷ lục gần 9 triệu đồng.

Đến cuối ngày 26/8, giá vàng miếng trong nước bán ra ở mức 57,6 triệu đồng, mức vênh có giảm xuống nhưng vẫn cao hơn 8 triệu đồng (16%) so với giá vàng thế giới.

Lý giải thực trạng trên, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore và Indonesia kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng (VGTA) chia sẻ, vàng là hàng hoá doanh nghiệp trong nước không tự sản xuất được nên phải nhập khẩu. Bởi vậy, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới do chịu thêm các chi phí khác như phí vận tải, bảo hiểm...

Tuy nhiên, mức chênh lệch ngày càng được nới rộng theo ông Khánh xuất phát từ việc nguồn cung chế tác vàng nữ trang hạn chế.

Theo Phó chủ tịch VGTA, nếu vàng được nhập khẩu chính thức, giá trong nước chỉ cao hơn 1% so với thế giới. Theo thông lệ quốc tế, cứ nước nào có giá vàng chênh lệch 2-3% là có hiện tượng nhập lậu, đặc biệt những nước đánh thuế nặng. “Vàng giống như nước, chảy vào chỗ trũng”, ông nói.

Từ năm 2012 đến nay theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước không cấm nhập vàng nguyên liệu nhưng Ngân hàng Nhà nước quản lý, khi nào cần thiết mới nhập để chế tác nữ trang. Việc này nhằm kiểm soát nhập khẩu vàng, tránh tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Khánh cho biết, trong gần 10 năm nay, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng nguyên liệu để chế tác nữ trang. Trong khi đó, nhu cầu vàng nữ trang tại Việt Nam trên dưới 20 tấn một năm. Một phần nguyên liệu chế tác vàng nữ trang trong nước nhiều năm nay có thể được nhập lậu qua đường biên giới.

Nhưng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong hơn một năm trở lại đây, các đường biên giới được kiểm soát chặt khiến việc nhập lậu trở nên khó khăn, nguồn vàng nhập lậu vì thế có khả năng giảm, ông Khánh nhìn nhận.

Do đó, khi giá vàng thế giới rớt mạnh, theo Phó chủ tịch VGTA, giá trong nước giảm không đáng kể. “Biên độ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ ngày càng nới rộng hơn nếu giá vàng quốc tế tiếp tục lao dốc”, ông nhận định.

Người dân mua vàng tại một cửa hàng ở quận Bình Thạnh (TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần

Chủ tịch Công ty Vàng bạc Đá quý SJC Phú Thọ, ông Trần Thanh Hải cũng phân tích, nguồn cung vàng hiện độc quyền bởi Ngân hàng Nhà nước nên thị trường vàng hiện giờ cạnh tranh không hoàn hảo. Việc siết chặt đường biên và các vụ buôn lậu vàng cũng khiến nguồn cung kim loại quý ngày một hạn chế.

Cũng như quan điểm của Phó chủ tịch VGTA, ông Hải nhận định, khi nguồn cung khan, doanh nghiệp trong nước không dễ gì giảm mạnh theo đà của thế giới. Do đó, giá vàng thế giới lao dốc là thời điểm càng khiến chênh lệch giá trong và ngoài nước nới rộng.

Một số chuyên gia khác trong ngành vàng cũng cho rằng, ngoài việc không được nhập khẩu, hay bị siết vàng lậu... thì hiện tượng người dân hạn chế bán vàng ra cũng phần nào khiến nguồn cung trên thị trường thiếu hụt. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều người có thể sẽ chọn vàng làm kênh trú ẩn an toàn. Theo đó, lượng người đang cất giữ và chưa muốn bán vàng ra cũng không hề nhỏ.

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM thừa nhận, việc siết đường biên giới khiến tình trạng vàng nhập lậu không còn phổ biến như trước, nhưng nguồn cung không thiếu cho hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng hay phục vụ nhu cầu người dân.

Ông Minh cũng khẳng định, không có doanh nghiệp nào trên địa bàn TP HCM phản ánh việc thiếu hụt nguồn cung. “Nhiều tiệm vàng trên địa bàn gần đây đóng cửa, gần như không buôn bán kinh doanh, lượng cầu rất thấp”, ông Minh nói .

Ngân hàng Nhà nước thường xuyên dập vàng miếng cho Công ty Vàng bạc đá quý SJC, đảm bảo cung ứng trên thị trường. Theo ông, chênh lệch giá vàng trong nước neo cao là do các doanh nghiệp phòng thủ, giảm rủi ro khi thị trường biến động mạnh.

Theo Quỳnh Trang/VNE


Chia sẻ:   
Loading...