Giá xăng dầu, thực phẩm tăng cao, việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và y tế... là những yếu tố bất lợi tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những tháng cuối năm tại Hà Tĩnh.
Giá xăng dầu tăng cao đang ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội.
CPI 6 tháng đầu năm được kiểm soát tốt
Giá xăng dầu, nguyên liệu, vật liệu xây dựng tăng cao được cho là nguyên nhân chính đẩy chỉ số CPI tại Hà Tĩnh tăng lên. Cụ thể, giá xăng dầu đã được điều chỉnh 16 lần, xăng A95 tăng 11.960 đồng/lít, xăng E5 tăng 11.540 đồng/lít, dầu diesel tăng 13.900 đồng/lít so với hồi đầu năm (bình quân 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu đã tăng 51,81% so với cùng kỳ năm trước - PV).
Bên cạnh đó, giá gas cũng biến động mạnh theo tình hình thế giới, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng, nhu cầu ăn uống, sử dụng các dịch vụ... tăng lên đã ảnh hưởng đến chỉ số CPI của toàn tỉnh.
Nhiều chủ thầu gặp khó khăn khi công trình “đội” vốn do giá thép, xi măng, cước vận tải liên tục tăng cao.
Đặc biệt, giá các mặt hàng tăng cao tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống sản xuất, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Chị Trần Thị Mai (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Công việc của tôi thường phải di chuyển rất nhiều, giá xăng tăng liên tục, tôi tính chi phí đi lại đã “đội” thêm 500.000 - 600.000 đồng/tháng vì giá xăng tăng liên tục. Không những vậy, mọi thứ dùng cho sinh hoạt hằng ngày đều lên giá như dầu ăn, mì tôm, rau xanh, sữa bột cho con... Nguồn thu nhập hạn chế nên tôi luôn phải tính toán cẩn thận để cân đối thu chi”.
Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã... trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận để được giảm thuế suất thuế VAT từ 10% xuống còn 8%.
Tuy nhiên, xét chung trong 6 tháng đầu năm, thị trường có nhiều yếu tố giúp kiềm chế CPI như: giá các mặt hàng thực phẩm đã giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt trong đó giá thịt lợn giảm 20,1%; chính sách miễn giảm học phí để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch; giảm một số loại thuế phí như thuế môi trường với xăng dầu, thuế giá trị gia tăng…
Theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Tĩnh, trước những biến động lớn của thị trường, CPI bình quân 6 tháng đầu năm chỉ tăng ở mức 1,58% so với cùng kỳ năm trước. Đây được đánh giá là mức tăng tương đối ổn định, thể hiện công tác điều hành giá được thực hiện chủ động, có hiệu quả trong bối cảnh thế giới và trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tình trạng lạm phát gia tăng.
Từ nay đến cuối năm 2022, nhiều yếu tố bất lợi có thể sẽ tiếp tục khiến chỉ số CPI tăng cao.
Áp lực lớn trong điều hành giá những tháng cuối năm
Theo dự báo của Cục Thống kê Hà Tĩnh, từ nay đến cuối năm, nhiều yếu tố có thể sẽ tiếp tục khiến chỉ số CPI tăng cao.
Trưởng phòng Thống kê kinh tế (Cục Thống kê Hà Tĩnh) Trần Hoài Nam cho biết: “Giá nguyên nhiên vật liệu được nhập khẩu về ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất và sẽ đẩy giá hàng hóa tiêu dùng tăng lên. Đặc biệt, giá xăng dầu tác động đến mặt bằng giá của nhiều ngành quan trọng như: vật tư nông nghiệp, vận tải, vật liệu xây dựng… Cùng đó, giá lương thưc, thực phẩm dự báo còn lên cao trong những tháng cuối năm là những áp lực trong việc thực hiện điều hành giá cả.
Nhu cầu sử dụng các loại dịch vụ như du lịch, vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình trong dân sẽ tăng trở lại. Ảnh Hương Thành.
Ngoài ra, kinh tế toàn tỉnh đang trong giai đoạn phục hồi rõ nét, khi đó nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, sử dụng các hoạt động dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình sẽ tăng trở lại, từ đó sẽ đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao. Việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và y tế theo đúng lộ trình của Nhà nước cũng sẽ tác động không nhỏ đến chỉ số CPI, đặc biệt là việc áp dụng khung học phí các cấp học của công lập theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/7/2021 quy định về thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực GD&ĐT.
Trước các yếu tố bất lợi đã được dự báo, các sở, ngành, đơn vị liên quan cần theo dõi sát thị trường để có giải pháp linh hoạt trong kiềm chế đà tăng của mặt hàng phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng thiết yếu của người dân, doanh nghiệp.
Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phối hợp triển khai các giải pháp giải ngân nguồn vốn theo Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước còn nhiều biến động, Hà Tĩnh tiếp tục chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thiết yếu của người dân; tập trung thực hiện các chỉ đạo về điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế phục hồi nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.
Cùng đó, đảm bảo khống chế dịch bệnh, tái đàn ổn định với chăn nuôi lợn để nhằm ổn định giá vào những tháng cuối năm; để xuất giảm các loại thuế, phí để góp phần giảm giá xăng dầu; kiến nghị lên bộ, ngành xem xét giảm giá vật liệu xây dựng trong đó có thép, xi măng... để phục vụ nhu cầu tiêu dùng và đời sống cho người dân.
Theo Baohatinh.vn
Link gốc: https://baohatinh.vn/thuong-mai-dich-vu/ha-tinh-linh-hoat-kiem-soat-chi-so-gia-tieu-dung-truoc-nhung-tac-dong-nbsp-bat-loi-nbsp/234113.htm
Chào mừng các bạn đến với Sàn GDTMĐT Hà Tĩnh
Hãy đăng kí địa chỉ email để nhận được những tin tức khuyến mại sớm nhất!