Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các sở, ngành khẩn trương hoàn thành, ban hành kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (Đề án tỉnh NTM) theo yêu cầu của UBND tỉnh.
Chiều 13/3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng đô thị văn minh và chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh chủ trì buổi làm việc với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh để nghe báo cáo kết quả thực hiện trong thời gian qua và bàn một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Ngô Đình Long báo cáo cơ cấu tổ chức bộ máy và các nội dung liên quan.
Văn phòng Điều phối NTM được UBND tỉnh kiện toàn tại Quyết định số 2591/QĐ-UBND ngày 19/12/2022; thực hiện chức năng giúp Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng đô thị văn minh và chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025 quản lý và tổ chức thực hiện NTM và OCOP trên địa bàn tỉnh. Chánh Văn phòng do Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm nhiệm.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đến nay toàn tỉnh có 177/181 xã đạt chuẩn NTM, 50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 xã NTM kiểu mẫu; 1.100 khu dân cư kiểu mẫu đạt chuẩn; có 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Cục Trưởng Cục Thống kê tỉnh Trần Thanh Bình: Cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để các cơ sở trên địa bàn hấp thụ được các chính sách của tỉnh, hoạt động hiệu quả hơn, từ đó góp phần hoàn thành các tiêu chí NTM.
Có 249 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Các sản phẩm sau khi tham gia chương trình OCOP đều tăng doanh số bán hàng, (bình quân tăng 40%); thị trường tiêu thụ được mở rộng, có 4 sản phẩm (bánh đa vừng Nguyên Lâm, sứa ép Mai Dung, bánh ram Anh Thu, bánh ram Nam Chi) đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc.
Về kết quả xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM, có 3 tiêu chí cơ bản đạt: quy hoạch, an ninh trật tự xã hội và chỉ đạo, điều phối thực hiện chương trình xây dựng NTM; có 2 tiêu chí có khả năng hoàn thành: dịch vụ hành chính công, giáo dục và y tế; 4 tiêu chí khó có khả năng hoàn thành: cơ sở hạ tầng kết nối và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững; văn hóa; môi trường và cảnh quan nông thôn. Riêng tiêu chí việc làm - thu nhập - hộ nghèo rất khó có khả năng hoàn thành.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đặng Văn Dũng: Đề nghị Văn phòng Điều phối NTM tỉnh sớm tham mưu phân bổ, bố trí kinh phí thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cũng báo cáo một số khó khăn liên quan đến bộ máy văn phòng cấp tỉnh và cấp huyện.
Bên cạnh đó, chương trình NTM và xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM cũng đang còn một số hạn chế. Theo đó, công tác lãnh đạo chỉ đạo ở một số địa phương chưa quyết liệt; nhiều sở, ngành chưa ban hành kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Đề án tỉnh NTM; tiến độ thực hiện tại 4 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM của huyện Hương Khê còn chậm; tiến độ triển khai thực hiện một số chỉ tiêu về huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu chậm;
Các chương trình/dự án trọng điểm thiếu sự tập trung triển khai, nguồn vốn khó khăn; tiến độ thực hiện chương trình OCOP năm 2022 chậm, kết quả đạt thấp; nhiều địa phương thiếu sự tập trung trong chỉ đạo, triển khai xây dựng đô thị văn minh, tiến độ chậm và khó khăn về nguồn lực; tiến độ giải ngân vốn chương trình NTM năm 2022 đạt thấp...
Thượng tá Trần Thanh Bình - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh: Lực lượng vũ trang đã trực tiếp tham gia xây dựng NTM bằng hàng nghìn ngày công và cùng với các địa phương thực hiện các tiêu chí liên quan.
Năm 2023, Hà Tĩnh sẽ tập trung chỉ đạo rà soát, nâng cấp tất cả các thôn, xã, huyện đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đảm bảo đạt chuẩn theo các bộ tiêu chí giai đoạn 2022-2025; quan tâm cao xây dựng huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo kế hoạch.
Ưu tiên hỗ trợ ngân sách đầu tư các công trình nước sạch tập trung; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm gắn với chương trình OCOP.
Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Nguyễn Văn Việt trao đổi, tiếp thu một số nội dung tại buổi làm việc.
Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2023:
Tất cả các xã rà soát, đánh giá lại mức độ đạt chuẩn, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đảm bảo đạt chuẩn theo yêu cầu Bộ tiêu chí giai đoạn 2022-2025.
Có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM (đạt chỉ tiêu 100% xã đạt NTM).
Có tối thiểu 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; tối thiểu 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tối thiểu 150 khu dân cư NTM kiểu mẫu đạt chuẩn; tối thiểu 50 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 10 sản phẩm OCOP 4 sao và có sản phẩm OCOP 5 sao.
Huyện Lộc Hà, Kỳ Anh đạt chuẩn huyện NTM; thị xã Kỳ Anh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành đã báo cáo một số nội dung thực hiện chương trình xây dựng NTM theo nhiệm vụ; đồng thời trao đổi một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất giải pháp.
Khẩn trương ban hành kế hoạch cụ thể triển khai đề án tỉnh nông thôn mới
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao công tác chuẩn bị, báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM và ý kiến phát biểu, thảo luận của các đại biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND cho rằng, NTM Hà Tĩnh thời gian qua được sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự tham gia của MTTQ và Nhân dân nên đạt nhiều kết quả; có nhiều điểm sáng được các Bộ, ngành Trung ương ghi nhận.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch, mục tiêu đề ra vẫn còn khó khăn; triển khai thực hiện Đề án tỉnh NTM còn chậm, nhiều nội dung gặp vướng mắc...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Văn phòng Điều phối NTM tỉnh rà soát, chuẩn bị kỹ cho công tác sơ kết, đánh giá giữa kỳ về thực hiện Đề án tỉnh NTM để có kế hoạch và các giải pháp phù hợp trong giai đoạn tiếp theo. Đề nghị các sở, ngành khẩn trương hoàn thành, ban hành kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Đề án tỉnh NTM theo yêu cầu tại Kế hoạch số 3004/KH-UBND ngày 25/8/2021 của UBND tỉnh.
Về công tác tập huấn xây dựng NTM, Văn phòng Điều phối tỉnh NTM sớm có văn bản tham mưu để tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả; liên quan đến các nội dung thuộc chỉ tiêu kế hoạch, Văn phòng cần tham mưu Ban Chỉ đạo và UBND tỉnh trong công tác rà soát, đánh giá, gắn trách nhiệm với cá nhân, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện theo từng địa phương, từng nhóm nội dung.
Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tiếp tục tham mưu giải pháp chỉ đạo đối với từng tiêu chí NTM cấp tỉnh. Đối với những chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP cần rà soát và sớm thực hiện những chính sách đủ điều kiện; tìm giải pháp tháo gỡ trên tinh thần đúng quy định đối với các chính sách còn vướng mắc.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị Văn phòng Điều phối NTM và Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở NN&PTNT tiếp tục rà soát, học tập kinh nghiệm của các địa phương khác, tham mưu để hoàn thiện cơ cấu, tổ chức bộ máy; các đơn vị, sở, ngành tiếp tục tập trung cao thực hiện các nội dung về xây dựng NTM.
Theo Baohatinh.vn
Link gốc: https://baohatinh.vn/nong-nghiep/khan-truong-ban-hanh-ke-hoach-cu-the-trien-khai-de-an-tinh-nong-thon-moi/245635.htm
Chào mừng các bạn đến với Sàn GDTMĐT Hà Tĩnh
Hãy đăng kí địa chỉ email để nhận được những tin tức khuyến mại sớm nhất!