Truyền thông

Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

 Dù năng suất cam năm nay đạt thấp hơn mọi năm nhưng bù lại được giá nên các nhà vườn ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn phấn khởi, bà con đang nhanh tay thu hoạch những quả chín sớm.


Thời điểm này, trên các vườn đồi ở Vũ Quang, các nhà vườn đang tất bật bước vào mùa thu hoạch cam.


Đang nhanh tay cắt cam cho khách, ông Nguyễn Đình Vinh (thôn Thắng Lợi, xã Hương Minh) cho biết: "Năm nay, gần 1 ha cam của gia đình chỉ đạt khoảng 3 tấn quả, bằng một nửa năm ngoái. Năng suất giảm nhưng gia đình vẫn không quá lo bởi giá cam thời điểm này khá cao, bình quân tại vườn là 30 nghìn đồng/kg (cao hơn 5 -10 nghìn đồng/kg so với năm ngoái) và dự báo sẽ còn tăng trong những ngày tới. Chúng tôi đang tỉa bán những quả chín sớm, số còn lại sẽ bán dần từ nay đến cuối năm”.


Nhờ thực hiện chăm sóc cam theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học nên cam của gia đình ông Vinh cho quả đẹp và ngọt đậm, được khách hàng "săn đón" tại vườn.


Những chuyến cam xuống núi mang theo niềm vui được giá của ông Vinh.


Theo bà con xã Hương Minh, xu hướng hằng năm, cam thường sẽ tăng giá vào thời điểm cuối năm nên hiện nay, bà con chưa thu hoạch ồ ạt mà tập trung cắt tỉa quả chín sớm. Kinh nghiệm này vừa giúp bà con hạn chế được việc rụng quả, vừa đảm bảo nguồn thu vào cuối vụ.


Dù mới đầu mùa nhưng cam bán rất được giá, thương lái hỏi mua liên tục, bà con xã Hương Minh không phải lo khâu tiêu thụ.


Ông Nguyễn Văn Minh (thôn Hợp Trùa, xã Hương Minh) cho biết: "Hơn 2 ha cam của gia đình năm nay chỉ đạt khoảng 10 tấn quả, thấp hơn năm ngoái gần 3 tấn. Nhờ xây dựng được thương hiệu, chất lượng cam đạt chuẩn nên bán rất được giá, hiện tôi đang bán 35 nghìn đồng/kg. Dù vậy, gia đình vẫn không vội bán hết mà chỉ bán tỉa một số ít".


Được biết, toàn xã Hương Minh hiện có hơn 170 ha cam đang cho thu hoạch. Để giúp bà con nâng cao thu nhập, thời gian qua, địa phương đã tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn bà con sản xuất theo quy trình hữu cơ, nói không với thuốc hoá học; nhờ đó, chất lượng cam luôn được đảm bảo, giá bán đạt cao ngay từ đầu vụ.


Không chỉ ở xã Hương Minh, những năm gần đây, nhờ chú trọng áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng cam trên địa bàn huyện Vũ Quang ngày càng được nâng lên. Nhiều nhà vườn đã chuyển sang trồng theo quy trình hữu cơ để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế.


Ông Dương Quốc Thành ở thôn 1 (xã Quang Thọ) phấn khởi cho biết: "Trồng theo quy trình hữu cơ nên vườn cam rộng 1 ha của gia đình luôn được thương lái, khách quen đặt mua từ sớm với mức giá khá cao, hơn 35 nghìn đồng/kg. Dự báo giá cam sẽ còn tăng cao nên gia đình rất yên tâm ở vụ cam này".


Những gốc cam trĩu quả, được gia đình ông Thành bọc cẩn thận. Theo ước tính của ông Thành, năm nay gia đình dự kiến thu về khoảng 6 tấn quả, năng suất tuy thấp hơn nhưng thị trường dễ tiêu thụ nên ông không băn khoăn nhiều.


Một mùa cam mới lại về, mang theo những niềm vui, kỳ vọng của bà con miền núi Vũ Quang. Hy vọng, thời tiết những tháng cuối năm sẽ thuận lợi, thị trường tiêu thụ ổn định để bà con yên tâm bước vào vụ sản xuất mới.

Toàn huyện hiện có gần 1.700 ha cam cho thu hoạch. Năm nay, ở giai đoạn cây ra hoa gặp phải thời tiết thất thường khiến tỷ lệ hoa rụng nhiều, không đậu được quả dẫn đến năng suất cuối vụ giảm, đạt khoảng gần 17 nghìn tấn (thấp hơn năm 2023 khoảng 3 nghìn tấn). Tuy nhiên, giá cam được mua với giá cao nên người dân rất phấn khởi.

Để giúp bà con có nguồn thu khá vào cuối vụ, chúng tôi đã chỉ đạo các xã hướng dẫn người dân thăm vườn thường xuyên để kịp phát hiện các yếu tố gây hại; chủ động thu hoạch những quả chín sớm. Ngoài ra, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam trên các nền tảng xã hội để mở rộng thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Ông Trần Lê - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang.

    Theo Baohatinh.vn

Link gốc: https://baohatinh.vn/muot-mat-tren-nhung-vuon-cam-chin-som-post275904.html

Chia sẻ:   
Loading...